Quế Võ chú trọng bảo vệ tu bổ các di tích lịch sử văn hóa
Cùng với phát triển kinh tế, công tác văn hóa xã hội luôn được huyện Quế Võ quan tâm chú trọng, trong đó việc bảo vệ tu bổ các di tích lịch sử văn hóa, các quần thể văn hóa tâm linh được thực hiện một cách hiệu quả.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Quế Võ trao Bằng xếp hạng Di tích lịc sử văn hóa Đền Đậu và Đình làng Mộ Đạo
Là địa phương nằm ở cái nôi văn hóa Kinh Bắc, huyện Quế Võ có nhiều di tích lịch sử và văn hóa nổi tiếng như Đền Đậu, đình chùa Phả Lại, Đình làng Guột, đền thờ Nguyễn Cao xã Cách bi....Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong những năm qua huyện đã thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm quản lý tổ chức hoạt động di tích lễ hội đi đôi với việc xây dựng kế hoạch chỉ đạo Ban quản lý di tích các xã tổ chức các lễ hội đầu năm theo đúng quy định gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn như quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Nghị định 103 của Chính Phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; Quyết định của UBND tỉnh về Ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh . Hằng năm UBND huyện chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền của huyện tổ chức tuyên truyền, giới thiệu về các di tích trên địa bàn huyện. Công tác quản lý lễ hội luôn được các cấp ủy Đảng, Chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo và coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Các hoạt động văn hóa tại Lễ hội Đền Đậu xã Mộ Đạo
Hiện nay trên địa bàn huyện Quế Võ có tới trên 150 di tích lịch sử văn hoá các loại, trong đó có 41 di tích được nhà nước công nhận, trong đó có 9 di tích cấp quốc gia, 32 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Để quản lý tốt các di tích hàng năm huyện Quế Võ thường xuyên kiện toàn Ban quản lý phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong việc quản lý, bảo vệ các di tích, đồng thời tăng cường kiểm tra phòng chống cháy nổ , mất cắp cổ vật, đưa linh vật ngoại lai vào các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Bên cạnh đó công tác trùng tu tôn tạo di tích xếp hạng được quan tâm. Đặc biệt được sự đầu tư của cấp trên một số di tích đã và đang được xây dựng trùng tu như đền thờ Nguyễn Cao, đền Đậu, đền thời 18 quận công, đền thời họ Mai… Công tác xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa được cấp uỷ và chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở nhận thức đúng đắn, chỉ đạo sâu sát, vận động tuyên truyền nên đa số nhân dân đã hiểu được về công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, đã đóng góp nhiều công sức, vật chất cho công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện. Đông đảo nhân dân tham gia các hoạt động lễ - hội truyền thống, các nghệ nhân tích cực truyền dạy các giá trị văn hoá cho thế hệ sau. Lực lượng tham gia ủng hộ vật chất, kinh phí phục dựng các di tích. Công tác quản lý thu, chi tiền công đức luôn đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật, các khoản thu tiền công đức công khai, minh bạch, dân chủ, kinh phí được sử dụng vào việc tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội...
Các hoạt động văn hóa tại Hội làng thôn Lựa xã Việt Hùng
Để phát huy đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện trong những năm tới huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật di sản văn hóa, nâng cao nhận thức trong lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở coi việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ chính trị, gắn phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng và phát triển văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội. Gắn công tác bảo vệ tu bổ di tích với thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn dân cư và xây dựng nông thôn mới nâng cao nông thôn mới kiểu mẫu ./.