NGHÈ LÀNG HÀ LIỄU
Nghè làng Hà Liễu vốn được khởi dựng vào thời Lê, vị trí nằm về phía Tây của thôn trên khu đất rộng và chung khuôn viên với đình và chùa Hưng Phúc.
Đến thời Nguyễn, di tích được trùng tu, tôn tạo, quy mô to lớn gồm 3 tòa: nghè Thượng, nghè Trung, nghè Hạ tạo thành mặt bằng kiến trúc hình chữ Tam.
Nghè làng Hà Liễu (Ảnh chụp năm 2004)
Năm 1960 - 1965, địa phương hạ giải nghè Hạ làm trường học, nghè Trung để làm kho của hợp tác xã. Di tích lúc này chỉ còn tòa nghè Thượng dùng làm nơi thờ cúng. Năm 1985, địa phương mua lại bộ khung gỗ nhà dân thuộc xã Đại Xuân về dựng lại nghè Trung. Năm 2014, tu bổ lại nghè Trung, bộ khung cũ chuyển ra sau dựng thành nhà Tạo soạn.
Cổng Tam môn vào di tích
Lối dẫn vào di tích có nhiều cây xanh
Hiện nay, nghè làng Hà Liễu gồm các công trình: nghè Thượng, nghè Trung tạo thành mặt bằng kiến trúc hình chữ Nhị, nhà Tạo soạn, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh... nằm trong không gian có nhiều cây xanh cổ thụ, cụ thể như sau:
Toà nghè Trung nhìn từ phía trước
Nghè Trung có kiến trúc kiểu “4 mái đao cong”, mặt quay hướng Tây. Bộ khung chịu lực bằng bê tông cốt thép gồm 4 bộ vì tạo thành 3 gian 2 chái. Mỗi bộ vì có 4 hàng chân cột, kết cấu kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ chồng rường bảy hiên”.
Kết cấu bộ khung chịu lực toà nghè Trung
Bài trí đồ thờ tự trong toà nghè Trung
Nghè Thượng nằm phía sau và song song với nghè Trung, kiến trúc kiểu “bình đầu bít đốc tay ngai”. Bộ khung chịu lực bằng gỗ lim với 4 bộ vì tạo thành 3 gian. Mỗi bộ vì có 4 hàng chân cột, kết cấu kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ ngồi bảy hiên”. Đây là kiến trúc thời Lê còn bảo lưu nguyên vẹn.
Kết cấu vì nóc Nghè Thượng kiểu “chồng rường”
Nghè Hà Liễu hiện còn bảo lưu một số hiện vật quý, tiêu biểu như: 03 bộ long ngai bài vị, 01 hoành phi, 01 đôi câu đối, 01 bộ bát bửu, 01 bộ kiếm, 01 hương án, 01 mâm thờ, 02 bát hương... có niên đại tạo tác thời Nguyễn cùng nhiều hiện vật, đồ thờ tự mới được bổ sung cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Các hiện vật trên có giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cao đã minh chứng cho lịch sử của di tích.
Bia hậu thần khắc dựng năm 1710 và thời Nguyễn
Hoành phi “Thanh đằng vũ trụ”
Nghè làng Hà Liễu là nơi phụng thờ ba vị thần trong “Ngũ Vị Lôi Công” là: Đệ nhất Nguyễn Lôi Công, Đệ nhị Nguyễn Lôi Công và Đệ tam Nguyễn Lôi Công. Lai lịch và công trạng tóm lược như sau:
Vào đời vua Lý Thái Tông, có giặc Chiêm Thành khởi quân đến xâm lược. Nhà vua lệnh cho đại tướng Nguyễn Công Cự đem 3 vạn tinh binh đi thảo phạt giặc. Qua nhiều lần giáp chiến mà Nguyễn Công Cự vẫn chưa thể bình được giặc bèn lui binh về nơi đồn trú tại trang Giang Liễu. Tại đây, tướng quân Nguyễn Công Cự được Ngũ vị Lôi Công hiện linh ứng báo âm phù trợ giúp đánh giặc (ngày 12 tháng 2). Nguyễn Công Cự tức tốc tiến binh, thẳng đến nơi đồn trú của giặc Chiêm Thành đại chiến 1 trận, quân giặc đại bại, chết đuối vô số, quân ta không mất sức mà bình được giặc. Sau khi đã bình xong giặc, Nguyễn Công Cự về triều bái yết nhà vua, tấu trình toàn bộ sự việc. Nhà vua nghe xong, bèn mở yến tiệc để chúc mừng, khao thưởng quân sĩ, gia ban phong thưởng, sắc chỉ nhân dân bản trang lập đền thờ làm nơi linh từ phụng sự. Đến thời vua Lê Thái Tổ, các Ngài lại âm phù giúp vua chiến thắng giặc Ngô, được vua gia phong: Thượng đẳng Tối linh thần, đồng ý cho phép phụng thờ theo lệ cũ.
Long ngai thờ ba vị Thần trong nghè Thượng
Lễ hội truyền thống nghè Hà Liễu được tổ chức vào ngày 12 tháng 2 cùng với 8 thôn “hàng Từ” thuộc 3 xã: Phương Liễu, Phượng Mao, Nam Sơn vừa tỏ tình giao hảo, đoàn kết và thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân. Hiện nay, trong ngày lễ hội truyền thống, địa phương tổ chức rước từ sáng ngày 11 tháng 2, rước từ nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh về nghè, sau đó tổ chức tế lễ. Lễ vật gồm có: xôi, gà, lợn, hoa quả. Trong ngày hội có tổ chức các trò chơi như: đu quay, chọi gà, cầu khỉ, cầu lông, văn nghệ… đã tạo không khí hân hoan, đoàn kết cộng đồng làng xã. Ngoài ra tại nghè Hà Liễu có các ngày sự lệ như: ngày linh hiện (ngày 12 tháng 3), ngày xuân thu nhị kỳ (ngày 13 tháng 8), ngày chiến thắng (ngày 20 tháng 10), Tết Nguyên Đán, tuần rằm, mùng 1.
Nghè làng Hà Liễu đã được UNBD tỉnh Bắc Ninh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá, Quyết định số 2172/QĐ-CT ngày 20/12/2004.