ĐÌNH VÂN ĐOÀN
Đình Vân Đoàn thuộc thôn Phú Vân, xã Đức Long, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Ngôi đình vốn được khởi dựng từ thời Lê với quy mô nhỏ. Đến thời Nguyễn năm Bảo Đại (1931) được trùng tu, tôn tạo. Quy mô gồm: Nghi môn, Đại đình 3 gian 2 chái, Hậu cung 2 gian tạo thành mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh. Bộ khung chịu lực của các công trình đều được làm bằng gỗ lim to khỏe, nghệ thuật chạm khắc thể hiện tập trung trên các bộ vì, các bức cốn, đầu dư với kỹ thuật hết sức công phu, tinh xảo, điêu luyện bằng kỹ thuật chạm nổi, chạm kênh bong. Các đề tài được thể hiện chủ yếu là tứ linh “long, ly, quy, phượng”, các mảng vân mây, dây lá cách điệu… mang đậm dấu ấn nghệ thuật thời Nguyễn.
Đình Vân Đoàn (Ảnh chụp năm 1994)
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp đình bị xuống cấp, nhân dân tháo dỡ hai chái ở đầu hồi để phụ đắp cho các gian còn lại. Trải thời gian đến nay ngôi đình đã qua nhiều lần tu sửa: Năm 2003 làm lại hệ thống cửa; năm 2013 trùng tu lại toàn bộ đình; năm 2017 phục dựng lại 2 chái và bốn góc đao; năm 2019 tu bổ thay thế hệ thống cửa Đại bái và Hậu cung.
Đình Vân Đoàn hiện nay
Hiện nay, đình Vân Đoàn nằm ở trung tâm làng trong cụm di tích gồm đình và chùa, diện tích đất 436 m2, mặt quay theo hướng Nam, xung quanh là khu dân cư đông đúc.
Đình Vân Đoàn có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm:
Đại đình 3 gian 2 chái, kiến trúc kiểu 4 mái 4 đao cong. Mái lợp ngói mũi, chính giữa bờ nóc đắp rồng chầu nguyệt, hai bên là kìm nóc. Bờ guột, bờ giải đắp con xô, đầu đao đắp hồi long.
Bộ khung chịu lực tòa Đại đình gồm 4 bộ vì chính, sử dụng chất liệu gỗ lim. Mỗi bộ vì có 4 hàng chân cột, kết cấu vì nóc kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách gian giữa kiểu “ván mê bảy hiên”; vì nách gian bên kiểu “kẻ chuyền”. Cửa mở 3 gian giữa kiểu “bức bàn”.
Kết cấu bộ khung chịu lực toà Đại đình
Trên các cấu kiện như: câu đầu, đầu dư, con chồng, xà nách (cốn), kẻ, bảy hiên… chạm khắc các đề tài “tứ linh, tứ quý”, rồng, hoa lá cách điệu… tinh xảo, nghệ thuật.
Chạm khắc trên vì nách (cốn) tòa Đại đình
Hậu cung 2 gian, kiến trúc kiểu tường hồi bít đốc. Bộ khung chịu lực bằng gỗ lim, gồm 3 bộ vì, kết cấu vì nóc kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu “chồng rường”.
Kết cấu bộ vì và bài trí thờ tự toà Hậu cung
Trong đình còn bảo lưu nhiều hiện vật, đồ thờ có giá trị lịch sử, văn hóa, tiêu biểu gồm: 02 bia đá thời Nguyễn, 02 đạo sắc phong niên hiệu Duy Tân 3 (1909) và Khải Định 9 (1924) cùng nhiều đồ thờ tự được tạo tác tinh xảo, nghệ thuật. Đây đều là những hiện vật quý của địa phương góp phần làm sáng tỏ lai lịch, công trạng nhân vật phụng thờ tại di tích.
Bia đá “Ký kỵ bi” khắc dựng thời Nguyễn
Đình Vân Đoàn là nơi phụng thờ Thành hoàng làng là: Cao Sơn là một tướng đời Hùng Vương thứ 18 - có công đánh giặc Thục được các triều đại ghi nhận công lao và ban tặng sắc phong, cho phép địa phương phụng thờ.
Ngoài ra đình còn phối hưởng 2 vị Tiến sĩ người địa phương và Đức vua Bà, cụ thể như sau:
- Tiến sĩ Đặng Cung: Người làng Vân Đoàn (nay là thôn Phú Vân, xã Đức Long), ông sinh năm 1460. Năm 19 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức 9 (1478) đời Lê Thánh. Ông làm quan đến chức Hàn lâm Hiệu thảo.
- Tiến sĩ Ngô Quang: Sinh năm Nhâm Thân (1512) tại xã Vân Đoàn (nay là thôn Phú Vân), trước khi đi thi ông đã làm Tri phủ. Năm 29 tuổi ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) tên đứng thứ nhất, khoa Tân Sửu niên hiệu Quang Hoà 1 (1541) đời Mạc Phúc, làm quan đến chức Hàn lâm. Sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục” chép: Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện kiểm thảo.
- Đức vua Bà: Nguyên xưa, nhân dân thôn Vân Đoàn đã tạc tượng, dựng nghè thờ Bà. Trải thời gian nghè bị hư hỏng nên chuyển tượng của bà về thờ tại đình. Đức vua Bà có công dâng kế sách giúp vua Trần đánh thắng giặc Nguyên - Mông, được vua phong là "Thiên tướng Hoàng Bà". Sau khi qua đời, nhà vua sắc cho nhiều làng ven sông Lục Đầu thờ phụng.
Tượng, ngai thờ trong toà Hậu cung
Đình Vân Đoàn từ xưa đến nay luôn là trung tâm sinh hoạt văn, hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Hàng năm lễ hội của làng diễn ra từ ngày mồng 10 - 15 tháng 3 (Âm lịch). Trong ngày hội, thôn Kiều Lương và Vân Đoàn (thuộc xã Vân Đoàn xưa) cùng tổ chức lễ nhập tịch khai hội.
Ngày 11, tổ chức rước cỗ ra đình, thôn Kiều Lương rước xuống, thôn Vân Đoàn rước ra, hai bên cùng nhau đóng đám tại đình và tế hàng xã. Sau đó lần lượt từng thôn tổ chức tế rồi thụ lộc tại đình. Ngày 12, tổ chức các trò chơi, buổi tối có tục đốt cây bông. Ngày 14 và 15, hai làng tổ chức tế giã đám, kết thúc lễ hội.
Ngoài ra, di tích còn có lễ giỗ đức Hoàng Bà vào ngày 16 tháng 6. Ngày 15 tháng 10 là ngày cúng đức Thánh Hoàng Bà.
Tháng 11, có tục tế Tư văn tại đình để nhớ ơn đức Khổng Tử và các bậc danh nhân khoa bảng của làng nhằm giáo dục truyền thống hiếu học cho các con em thế hệ hôm nay và mai sau.
Đồng nữ Quan tế trong ngày sự lệ truyền thống (Ảnh chụp năm 1994)
Các ngày sự lệ của làng là dịp để những người xa quê nhớ về cội nguồn, là mốc thời gian quan trọng để mọi người cùng tìm về gia đình, quê hương. Đồng thời cũng là dịp để củng cố mối quan hệ cộng đồng làng xã, giáo dục truyền thống và trách nhiệm của mỗi người dân với quê hương, đất nước.
Đình Vân Đoàn, xã Đức Long, thị xã Quế Võ đã được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia. Quyết định số 1568-QĐ/BT, ngày 20/4/1995.