ĐỀN HÁN ĐÀ
Hán Đà vốn là một làng cổ nằm dọc theo bờ Bắc sông Đuống xưa thuộc tổng Quảng Lãm, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn - nay thuộc xã Hán Quảng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây đất đai phì nhiêu nên đã sớm có con người đến sinh cơ lập nghiệp, lâu dần tạo thành cộng đồng làng xóm đông vui.
Quá trình phát triển, nhân dân địa phương đã tạo lập truyền thống văn hoá, xây dựng các công trình tín ngưỡng phục vụ cộng đồng, tiêu biểu là đền Hán Đà.
Toàn cảnh đền Hán Đà (ảnh chụp năm 1990)
Theo văn bia hiện còn lưu giữ tại đền cho biết, đền Hán Đà (còn gọi là đền Quan Trạng) được khởi dựng vào năm Dương Hòa thứ 6 (1640) đời vua Lê Thần Tông, gần khu nhà Cầu Giáo nơi xưa Tiến sĩ Nguyễn Đăng dạy học. Ngôi đền cổ có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Nhị (=) gồm: 5 gian Đại đền và 3 gian Hậu cung.
Địa điểm nhà Cầu Giáo - nơi xưa Tiến sĩ Nguyễn Đăng dạy học
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thực hiện tiêu thổ kháng chiến đền bị phá hủy hoàn toàn năm 1946. Hòa bình, nhân dân phục dựng lại ngôi đền trên nền xưa đất cũ, kiến trúc hình chữ Nhất, trang trí đơn giản.
Đền Hán Đà (ảnh chụp năm 1990)
Trải thời gian, di tích bị xuống cấp nặng, đến năm 2016 đền được trùng tu tôn tạo khang trang, tố hảo. Năm 2022, xây dựng cổng Tam môn và chỉnh trang khuôn viên
Toàn cảnh đền Hán Đà hiện nay
Đền Hán Đà nhìn từ phía trước
Đền Hán Đà hiện toạ lạc ở phía Nam của thôn, mặt quay theo hướng Tây - Nam. Đền có kiến trúc hình chữ Nhất, gồm một tòa nhà 3 gian, kết cấu kiểu “bình đầu bít đốc tay ngai, cột trụ cánh phong”. Bộ vì gian giữa kiểu “thượng con chồng giá chiêng, hạ ván mê”. Trên các cấu kiện kiến trúc như: con rường, câu đầu, đầu dư, cốn… chạm khắc hoa lá, vân mây cách điệu, mang phong cách kiến trúc truyền thống.
Tượng thờ Tiến sĩ Nguyễn Đăng tại ban chính giữa trong đền
Đền Hán Đà là nơi tôn vinh tưởng niệm danh nhân khoa bảng Tiến sĩ Nguyễn Đăng, được triều đình nhiều lần phong tặng mỹ tự, nhân dân nhiều nơi tôn vinh thờ phụng.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng (1576 - 1637) quê ở làng Mai, tên Nôm là “Tỏi Mai”, xã Đại Toán, huyện Quế Dương (nay thuộc xã Chi Lăng, huyện Quế Võ). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân có truyền thống hiếu học, nên ngay từ nhỏ ông đã tỏ ra là người thông minh, hiếu học. Xưa nay nhân dân vẫn lưu truyền giai thoại nổi tiếng về ông với câu đối:
"Vó vó, te te, võng Tiến sĩ
Hành hành, tỏi tỏi, kiệu Trạng nguyên"
Ông thi đỗ Hoàng giáp năm 26 tuổi khoa Nhâm Dần (1602), đời vua Lê Kính Tông. Các kỳ thi hương, thi hội, thi đình và khoa thi ứng chế đều đỗ đầu, được vua tặng danh hiệu cao quý "Tứ nguyên", nhân dân thường gọi ông là Trạng Tỏi và được triều đình bổ nhiệm chức Hộ bộ hữu thị lang, tước Phúc nhan hầu.
Ông là một trong những nho quan mẫn tiếp với triều Lê, được vua Lê Kính Tông và Thần Tông rất mến phục, trọng dụng. Năm Quý Sửu (1613) ông cùng với Lưu Đình Chất được cử đi sứ sang bang giao với nhà Minh. Với tài ứng đối kiệt xuất, vua quan nhà Minh hết sức nể phục, phong ông là “Trạng nguyên”.
Nguyễn Đăng là người nổi tiếng về tài phú. Trong các bài phú của ông từ xưa tới nay nhiều người đều quan tâm và ca ngợi, nhất là bài “Phú chùa Phi Lai”, tức bài phú làm khi đến thăm chùa Phi Lai ở Trung Quốc trong chuyến đi sứ. Với đức độ, tài năng uyên thâm của mình, tiến sĩ Nguyễn Đăng đã tận tâm, tận lực mang hết tài năng của mình để phục vụ đất nước, giữ trọn nghĩa vua tôi - trung hiếu. Khi về trí sĩ tại quê hương, ông mở lớp dạy học tại làng Hán Đà, học trò theo ông rất đông, nhiều người đã trưởng thành, hiển đạt.
Bia phản ánh về cuộc đời và sự nghiệp của Tiến sĩ Nguyễn Đăng, niên hiệu Dương Hòa 6 (1640)
Trong di tích còn bảo lưu được nhiều hiện vật có giá trị như: 01 bia hành trạng 2 mặt “Đại tướng công từ vạn thế công bi / Hán Đà xã điều ước phụng tự” niên hiệu Dương Hòa 6 (1640); 04 tượng thời Nguyễn cùng một số hoành phi, câu đối, đồ thờ tự được tạo tác công phu tinh xảo. Đây đều là những nguồn sử liệu quan trọng không chỉ góp phần làm sáng tỏ lai lịch, công trạng người được thờ mà còn giúp cho việc tìm hiểu về lịch sử, phong tục tập quán của địa phương qua các thời kỳ.
Các cụ đọc chúc văn tại đền trong ngày hội truyền thống
Hàng năm lễ hội đền Hán Đà tổ chức vào ngày 11/2 (Âm lịch). Trong lễ hội có tục “Quy nghĩa”. Làng Hán Đà có tục quy nghĩa với làng Chi Hồ (xã Tân Chi). Vào ngày lễ hội, đại diện 2 làng tổ chức đón “Quy nghĩa” và làm lễ “Thông thư" để mối quan hệ giao hảo càng thêm gắn bó, thân thiết. Đây là một phong tục đẹp được duy trì suốt bao đời nay góp phần xiết chặt mối quan hệ giữa hai thôn ngày bền vững.
Biểu diễn văn nghệ trong ngày hội truyền thống
Đền Hán Đà, xã Hán Quảng, thị xã Quế Võ đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử Quốc gia, Quyết định số 154/QĐ-BVHTT, ngày 25/01/1991