ĐÌNH LÀNG DO NHA, PHƯỜNG PHƯƠNG LIỄU
Thôn Do Nha còn gọi là “Miêu Nha”, “Ngà Ngoài”, xưa thuộc tổng Bất Phí - nay thuộc phường Phương Liễu, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Vùng đất này sớm được con người khai phá, sinh cơ lập nghiệp, tạo lập truyền thống văn hoá và các công trình tín ngưỡng phục vụ cộng đồng, tiêu biểu là ngôi đình làng cổ kính, linh thiêng.
Đình làng Do Nha vốn được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), quy mô kiến trúc gồm: Đại đình 3 gian 2 chái 4 mái đao cong, Hậu cung 3 gian, Tả vu 3 gian. Trong đình bài trí nhiều hiện vật, đồ thờ tự được điêu khắc cầu kỳ, sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Toàn cảnh đình Do Nha nhìn từ phía trước (Ảnh chụp năm 2004)
Toàn cảnh đình Do Nha hiện nay
Năm 1942, ngôi đình được đại trùng tu, quy mô gồm: Đại đình 5 gian, Hậu cung 3 gian tạo thành mặt bằng hình chữ Nhị. Xây dựng mới nhà Hữu vu 3 gian đăng đối với Tả vu. Năm 1949, khi giặc Pháp về làng đốt phá, dân làng đã tháo dỡ tòa Đại đình ngâm xuống ao nước phía trước để bảo quản.
Hòa bình lập lại, năm 1950, địa phương đã dựng lại tòa Đại đình như cũ. Năm 2004, nối thêm 2 chái tòa Đại đình tạo thành kiến trúc “4 mái đao cong”. Năm 2014, xây Nghi môn, bình phong, công trình phụ trợ. Năm 2022, tu sửa, đắp vẽ Nghi môn.
Hiện nay, đình Do Nha nằm về phía Tây của khu phố, mặt quay hướng Nam, gồm các hạng mục công trình:
Nghi môn đình Do Nha
Đại đình có kiến trúc kiểu “4 mái đao cong”. Bộ khung chịu lực 5 gian bằng gỗ, 2 chái bằng bê tông cốt thép. Mỗi bộ vì có 4 hàng chân cột, hai bộ vì gian giữa kết “thượng chồng rường, hạ ván mê bảy hiên”, các bộ vì còn lại kiểu “thượng chồng rường, hạ chồng rường bảy hiên”. Các thành phần cấu kiện kiến trúc được điêu khắc, trang trí các đề tài: tứ linh, rồng, lá lật… ở vì nách, đầu dư, con rường.
Toà Đại đình nhìn từ phía trước
Hậu cung nằm song song với Đại đình tạo thành mặt bằng hình chữ Nhị, kiến trúc kiểu“bình đầu bít đốc tay ngai”. Bộ khung chịu lực bằng gỗ, gồm 4 bộ vì tạo thành 3 gian, kết cấu kiểu “vì kèo”. Các thành phần kiến trúc để trơn không trang trí, gờ chỉ đơn giản. Giữa Đại đình và Hậu cung có 3 cửa đi cuốn kiểu tò vò, mỗi cửa có 2 cánh kiểu “bức bàn”.
Đây là những công trình kiến trúc thời Nguyễn còn bảo lưu khá nguyên vẹn, có giá trị nghệ thuật đặc sắc tiêu biểu trên địa bàn huyện Quế Võ nói riêng, tỉnh Bắc Ninh nói chung.
Trong không gian di tích còn có nhà Tả vu 3 gian, Nghi môn, bình phong, công trình phụ trợ, sân, vườn...
Nghệ thuật chạm khắc trang trí trên cốn và đầu dư tòa Đại đình
Bài trí gian giữa tòa Đại đình
Trong đình Do Nha hiện còn bảo lưu một số cổ vật tiêu biểu như: 01 ngai, 02 bài vị thời Lê. Thời Nguyễn có: 01 ngai, 01 hộp sắc, 02 bộ bát bửu, 02 hương án, 01 bảng chúc văn, 01 đỉnh hương, 01 mâm thờ, 01 long đình, 03 hoành phi, 03 bát hương, 02 đẳng tế… được tạo tác cầu kỳ, tinh xảo, có giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật.
Hoành phi “Vạn cổ lưu hương”, niên hiệu Thành Thái năm Mậu Tuất (1898)
Đình Do Nha là nơi phụng thờ Đức thánh Tam Giang (Trương Hống và Trương Hát) - có công giúp Triệu Quang Phục đánh giặc Lương ở thế kỷ VI. Lai lịch và công trạng các Ngài tóm lược như sau:
Vào đời vua Lý Nam đế, tại làng Vân Mẫu, huyện Quế Dương, quận Vũ Ninh, có bà họ Phùng tên là Từ Nhan, nết na thuần thục. Khi bà 18 tuổi, vào một đêm rằm tháng giêng năm Canh Thìn nằm chiêm bao tắm ở sông Lục Đầu thấy Thần Long quấn vào mình mà có thai. Đến mồng 5 tháng giêng năm Nhâm Ngọ sinh ra một bọc năm con, 4 con trai và 1 con gái. Con trai đặt tên: Hống, Hát, Lừng, Lẫy, con gái gọi là Đạm Nương.
Ngay từ nhỏ cả bốn anh em đã tỏ ra thông minh hơn người, bà cho các con theo học tiên sinh họ Lã, nhanh chóng thông lầu các sách binh thư, am tường võ nghệ. Gặp khi trong nước có loạn, nhà Lương sai Trần Bá Tiên và Dương Phiêu đem quân sang đánh nước Nam. Vua Lý Nam đế đem đại binh ra đánh, nhưng quân Lương thế mạnh, chống địch không nổi. Lý Nam đế uỷ quyền cho Triệu Quang Phục cầm quân đánh giặc. Trần Bá Tiên đương khi cường thịnh, Triệu Quang Phục chống không lại, phải lui quân về Dạ Trạch, tình thế nguy cấp bèn cho người đi tìm người tài ra dẹp giặc, giúp nước.
Khi ấy, anh em Đức Thánh Tam Giang nghe có lệnh chiêu tài, bèn tìm kế lập thân, mộ quân để giúp nước. Khi đi đến huyện Kim Hoa vào làng Tiên Tạo đã chiêu mộ được hơn 300 người chia làm cơ đội, lập đồn đánh giặc. Triệu Quang Phục biết tin, sai người đến đón, phong cho ông cả làm quan thượng tướng, ông hai làm phó tướng, ông ba, ông tư đều làm tỳ tướng. Các ông khởi quân tiến trận, xung đột tung hoành, quân Lương đại bại, chạy về Bắc quốc. Dẹp giặc xong, Triệu Quang Phục kéo quân về đóng đô ở thành Long Biên xưng là Triệu Việt Vương. Trương Hống được vua phong thực ấp Kinh Bắc, ông hai được thực ấp Đông Ngàn.
Nước bình rồi, Lý Phật Tử đem hơn 60 vạn quân Xiêm - Lào về đánh Triệu Việt Vương. Vua liền sai Trương Hống, Trương Hát xuất quân ra đánh, Lý Phật Tử địch không nổi phải lui quân xin cầu hoà để cho ở yên một xứ. Về sau Lý Phật Tử bội ước mang quân đánh úp Triệu Việt Vương, muốn anh em họ Trương phò Lý Phật Tử, vì trung nghĩa với Triệu Việt Vương nên anh em họ Trương đục thủng thuyền, đánh đắm mà tự vẫn vào ngày 1 tháng 4.
Lúc còn sống, anh em họ Trương đã là anh hùng chống giặc xâm lược, khi hoá lại nhiều lần hiển linh phù trợ các anh hùng chống giặc đời sau như:
Đời vua Lê Đại Hành, nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo đem quân đánh nước Nam. Nhà vua thân chinh xuất quân chống giặc, khi đến làng Tam Lư, huyện Đông Ngàn thì trời tối phải tạm đóng quân ở đình làng, liền sửa lễ cầu thần âm trợ và được thánh Tam Giang ứng trợ giành thắng lợi. Nhà vua khao thưởng quân sỹ, lại sai dân hai bên sông Nguyệt Đức, sông Nam Bình lập miếu thờ cúng.
Đến thời vua Lý Nhân Tôn, nhà Tống sai Quách Quỳ và Triệu Tiết sang đánh nước Nam ta. Vua Lý Nhân Tôn sai Lý Thường Kiệt đem quân đi đánh giặc. Khi đến làng Phương La vào đóng ở trước đền, truyền quân sửa lễ để cầu thần trợ chiến. Đêm hôm ấy, trăng sáng vằng vặc như ban ngày, bỗng thấy hai người mặc áo tiên bào ngự trong đám mây trắng, có quân sỹ đứng hầu san sát. Một vị mặc áo đỏ, một vị mặc áo trắng, cùng lựa giọng mà ngâm thơ rằng:
“Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Tiếng ngâm rầm rầm như tiếng sét đánh, quân Tống nghe thấy, tự nhiên hồn siêu phách lạc, tán loạn tinh thần, xô chạy ầm ầm, lăn ngã xuống sông, không phải đánh mà chết. Quân nhà Tống thua hại vô cùng, thu nhặt tàn quân, chẳng được bao nhiêu chạy về Bắc quốc. Lý Thường Kiệt thắng trận trở về, làm sớ tâu vua, thưởng khen đại công phù trợ, bèn sai các quan ở hai bên sông Vũ Bình, Nam Bình đều phải lập miếu thờ.
Đến năm Trùng Hưng thứ 4, bên Tầu lại sai đại binh sang đánh nước ta. Trần Quốc Tuấn phụng mệnh cầu đảo bách thần âm phù trừ giặc. Khi đến làng Tiên Tạo thấy có đền thiêng, sửa lễ khấn rằng: Xin ra sức giúp công đánh giặc. Sau bình được giặc Ô Mã Nhi, Trần Quốc Tuấn làm sớ tâu công phù trợ.
Đức Thánh Tam Giang là nhân vật anh hùng lịch sử, sống trực tiếp đánh giặc cứu nước, khi hoá đủ uy linh đi vào tín ngưỡng dân gian, chỗ dựa cho các vua minh tướng giỏi đời chiến thắng giặc ngoại xâm. Cảm động trước tấm lòng yêu nước, đánh giặc của các Ngài, nhân dân nhiều địa phương dọc vùng sông Cầu đã thờ các ông làm Thành hoàng làng, hàng năm hương khói mãi không thôi, trong đó có nhân dân thôn Do Nha, xã Phương Liễu.
Ngai, bài vị tạo tác tác thời Lê, thời Nguyễn
Lễ hội truyền thống đình Do Nha được tổ chức vào ngày 15 tháng 9 (Âm lịch). Trước đây, vào ngày hội có tổ chức rước từ cùng với 2 thôn kết chạ là Phương Cầu và Phú Xuân. Đoàn rước xuất phát từ đình ra nghè để làm lễ, sau rước Đức thánh về về đình Do Nha để mở hội. Hiện nay, địa phương không tổ chức rước mà chỉ tế lễ tại đình làng, gồm: tế nhập tịch ngày 14/9, tế đọc văn sáng ngày 15/9 và tế kết hội buổi chiều cùng ngày. Khi tế lễ thì kiêng từ “Hát” đọc chệch thành “Ca”. Trong ngày hội cồn tổ chức các trò chơi: chọi gà, vật, cầu lông, bóng chuyền, bắt bịt, hát quan họ…
Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh
Với những giá trị tiêu biểu trên, đình làng Do Nha đã được UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hoá, Quyết định số 2171/QĐ-CT ngày 20/12/2004.