CHÙA LÀNG HỮU BẰNG (LINH SƠN TỰ)

14/04/2023 08:36 View Count: 1287

Thôn Hữu Bằng có tên Nôm là làng Bùng hay Bùng Cát, xưa thuộc tổng Phù Lương, huyện Võ Giàng - nay thuộc xã Ngọc Xá, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Tương truyền, xưa làng có một bãi cát trắng tự nhiên rất lớn, khi đào đất tại khu vực này phát hiện được nhiều thân cây gỗ lớn nằm sâu dưới lòng đất, là dấu tích của vùng cửa biển đã bị bồi lấp do quá trình phát triển. Chính vì có bãi cát tự nhiên này mà dân gian gọi làng Hữu Bằng với tên là “Bùng Cát”. Vùng đất này nằm dọc triền núi Châu Sơn, giữa hai con sông lớn là Sông Cầu và sông Đuống. Đây là hai con sông cổ không chỉ có vai trò quan trọng đặc biệt cho sự phát triển kinh tế - văn hóa của xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh mà còn là nơi ghi dấu nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.


Toàn cảnh chùa Hữu Bằng

Trong lịch sử, thôn Hữu Bằng có 2 ngôi chùa, 1 nghè và 1 đình, là những thiết chế văn hoá tâm linh của cộng đồng làng xã nơi đây.

Song, bề dày lịch sử và nét văn hiến tiêu biểu của làng Hữu Bằng được kết tinh và toả sáng ở ngôi chùa thâm nghiêm cổ kính có tên chữ là "Linh Sơn tự".


Tam quan chùa Hữu Bằng


Lầu Quan Âm (ảnh chụp năm 2013)

Chùa Linh Sơn vốn được khởi dựng từ lâu đời và được trùng tu tôn tạo với quy mô to lớn vào thời Lê Trung Hưng. Đến thời Nguyễn, năm Bảo Đại thứ 17 (1942), chùa tiếp tục được trùng tu. Năm 1967, chùa được sử dụng làm nơi chứa kho thóc của hợp tác xã. Trải thời gian cùng năm tháng chiến tranh chùa bị xuống cấp, năm 1997 nhân dân cùng nhau góp công góp của để trùng tu toàn bộ ngôi chùa khang trang như ngày nay. Năm 2015, xây nhà Tổ. Năm 2019, xây giảng đường, nhà khách.

Chùa Hữu Bằng (Linh Sơn tự) có không gian cảnh quan đẹp và thoáng đãng, mát mẻ, trong khuôn viên có sân, vườn, hồ sen, xung quanh có tường bao bảo vệ.


Tòa Tam bảo nhìn từ phía trước

Hiện nay, chùa gồm các công trình: Tam bảo, nhà Tổ, nhà Giảng đường, lầu Quan Âm và một số công trình phụ trợ khác. Tòa Tam bảo là kiến trúc cổ còn giữ khá nguyên vẹn, có bố cục mặt bằng kiểu chữ Đinh gồm Tiền đường và Thượng điện, quay mặt theo hướng Tây - Nam. Tiền đường 5 gian, bộ khung bằng gỗ lim khá chắc chắn được liên kết bởi các bộ vì kiểu “con chồng giá chiêng tiền kẻ hậu bẩy”. Trên các bộ phận kiến trúc như con rường, cốn, bẩy đều được chạm khắc trang trí hình rồng, mây hoa lá công phu nghệ thuật. Cửa mở ở 3 gian giữa phía trước, 2 gian bên xây kín trổ cửa sổ nhỏ. Trên bờ nóc đắp cuốn thư đề biển hiệu tên chùa bằng chữ Hán “Linh Sơn tự”. Thượng điện 3 gian, bộ khung gỗ bào trơn đóng bén, vì ván mê “tiền kẻ hậu bẩy” chạm khắc hoa văn tứ linh nghệ thuật. Nhà Tổ 5 gian, kiến trúc bê tông, quá giang gác tường, mái lợp ngói ta. Nhà Giảng đường 5 gian.


Bài trí tại tòa Thượng điện (ảnh chụp năm 2010)


Của võng toà Thượng điện có 4 chữ Hán “Từ Bi Phổ Đại”

Trong di tích hiện còn bảo lưu nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật, tiêu biểu như: 13 pho tượng phật thời Nguyễn; 06 bia Hậu Phật trong đó có 2 bia rõ niên đại là bia “Nguyễn gia Thạch tấn” khắc năm 1885 và bia “Giáp hậu bi ký” dựng khắc năm 1916; 01 chuông đồng “Dương Chú linh tự hành cung hồng chung” niên hiệu Chính Hòa 24 (1703) cùng nhiều đồ thờ tự có giá trị.


Hàng bia đá tại sân chùa (ảnh chụp năm 2010)

Đây là các hiện vật tiêu biểu và là nguồn sử liệu quan trọng, không chỉ làm sáng tỏ nhân vật được thờ mà còn giúp cho việc tìm hiểu về làng Hữu Bằng trong nhiều thời đại lịch sử dân tộc để xác định vị trí, vai trò của di tích, góp phần nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của địa phương nói riêng và làm giàu thêm kho tàng lịch sử văn hóa nước nhà.


Bia “Nguyễn gia Thạch tấn” khắc năm 1885

Bia “Giáp hậu bi ký”khắc năm 1916


Chuông đồng, niên hiệu Chính Hòa 24 (1703)

Từ khi khởi dựng cho đến nay, chùa làng Hữu Bằng luôn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng. Chùa là nơi phụng thờ và hoằng dương Phật pháp, đồng thời là nơi thờ Mẫu, thờ Tổ... nhằm giúp con người sống hướng thiện, cầu an và trút bỏ mọi phiền não khổ đau để hướng đến những điều tốt đẹp. Đây còn là nơi góp phần củng cố các mối quan hệ cộng đồng, nơi bảo tồn và phát huy những thuần phong mỹ tục của địa phương.

Hàng năm, tại di tích có nhiều sự lệ như: hội chùa, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, các ngày giỗ, tuần rằm, mồng một… đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương đến với di tích. Thông qua các hoạt động trên đã giúp con người sống đoàn kết, nhân hậu, từ bi, bác ái. Chính vì vậy, chùa Linh Sơn luôn có vị trí quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng xã từ xưa đến nay và đã trở thành biểu tượng thân quen, gần gũi của mỗi người con quê hương.

Với những giá trị tiêu biểu trên, chùa làng Hữu Bằng (Linh Sơn tự), xã Ngọc Xá, thị xã Quế Võ đã được UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa, Quyết định số 49/QĐ-UBND ngày 18/01/2011.

NGUYỄN THỊ HOÀ - BAN QUẢN LÝ DI TÍCH TỈNH BẮC NINH.