Chắp cánh cho thương hiệu khoai tây Quế Võ

16/03/2020 13:43 Số lượt xem: 307
         Trong những năm qua, diện tích trồng cây khoai tây trên địa bàn huyện ngày càng mở rộng và khẳng định chất lượng với thương hiệu “Khoai tây Quế Võ”. Là cây vụ đông chủ lực, diện tích gieo trồng chiếm 70% diện tích khoai tây toàn tỉnh, sản lượng trên 30.000 tấn, khoai tây đã mang lại giá trị không nhỏ cho nông dân Quế Võ.

Sản xuất khoai tây an toàn ở Quế Võ

       Tuy nhiên, việc phát triển cây khoai tây ở Quế Võ còn gặp không ít khó khăn do chưa thực sự chủ động về nguồn giống, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở dạng thô, giá trị, hiệu quả chưa xứng với tiềm năng, việc ứng dụng công nghệ sau thu hoạch vào bảo quản, chế biến còn hạn chế, việc tiêu thụ còn bấp bênh. Để khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời là nhằm phát huy thế mạnh cây khoai tây gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá xanh, sạch, bền vững, huyện Quế Võ đã chỉ đạo triển khai đề án “Phát triển thương hiệu khoai tây Quế Võ giai đoạn 2020-2025”.

Thực tế diện tích khoai tây ở Quế Võ đã tăng từ 1.223 ha năm 2015 lên 1.993 ha năm 2019. Trên địa bàn đã hình thành nhiều vùng sản xuất khoai tây tập trung với diện tích hàng trăm ha ở các xã Việt Hùng, Nhân Hoà, Quế Tân, Phù Lương... Năng suất tăng từ 124 tạ/ha năm 2016 lên 166 tạ/ha năm 2019, tương ứng sản lượng tăng từ 18.000 tấn năm 2016 lên 32.000 tấn năm 2019. Năm 2018, toàn huyện có 30 vùng sản xuất khoai tây thương phẩm theo quy trình sản xuất an toàn, diện tích 520 ha. Vụ đông 2019, huyện xây dựng mô hình sản xuất khoai tây đạt tiêu chuẩn VIETGAP gắn với truy xuất nguồn gốc với diện tích 50 ha.

Hội thảo tìm giải pháp phát triển cây khoai tây Quế Võ

Nhờ ứng dụng đồng bộ từ kỹ thuật đến nguồn giống, từ năm 2015 Quế Võ đã thay thế các giống khoai tây KT2, KT3 có thời gian sinh trưởng dài, năng suất thấp bằng giống Marabel cho năng suất, chất lượng cao. Hiện tại, Marabel là giống chủ lực được huyện sử dụng (chiếm khoảng 99% diện tích) với nhiều ưu thế như: thời gian sinh trường ngắn, thân lá khỏe, khả năng chống chịu tốt với các bệnh mốc sương và xoăn lá, năng suất cao, vỏ vàng, ruột vàng, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được thị trường ưa chuộng. Chính điều này đã khẳng định chất lượng và giá trị, tạo cho cây khoai tây Quế Võ có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường hiện nay.

 Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Nông nghiệp Quế Võ, nếu thực hiện tốt các khâu quy hoạch và quản lý sản xuất giống thì Quế Võ có thể đáp ứng 100% lượng giống khoai tây sử dụng cho vụ đông, đồng thời còn có thể cung cấp giống cho các địa phương khác, mang lại cho người dân một nguồn thu không nhỏ từ sản xuất khoai tây giống. Bởi lẽ với hệ thống 41 kho lạnh hiện có, công suất bình quân 50 tấn/kho, huyện có thể bảo quản 2.000 tấn khoai tây giống mỗi năm. Đối với việc bảo quản sau thu hoạch khoai tây thương phẩm, trên địa bàn huyện chưa có cơ sở nào ứng dụng công nghệ sau thu hoạch và sơ chế, bảo quản, chế biến, vì vậy khi thời vụ thu hoạch tập trung dễ xảy ra việc tư thương ép giá. Qua theo dõi cho thấy, từ 2015 đến nay giá 1 kg khoai tây thương phẩm bình quân trong vụ thu hoạch các thương lái mua tại ruộng dao động từ 6.300 đ/kg đến 12.000 đ/kg, chủ yếu là ở thời điểm giá thấp dưới 8.000 đ/kg. Mặc dù vậy, thu nhập bình quân trên 1ha khoai tây vẫn cao hơn 3-4 lần so với trồng lúa. Nếu có công nghệ bảo quản đảm bảo để không bị ép giá thì với khoảng 30.000 tấn mỗi năm, sẽ tăng thêm nguồn thu cho nông dân trong huyện là 50-60 tỷ đồng.

Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh và huyện Quế Võ thăm mô hình khoai tây vụ đông ở Quế Võ

Để nâng tầm giá trị và từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường của cây khoai tây, huyện đã hoàn thiện việc xây dựng thương hiệu, năm 2016 được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận quyền sở hữu Nhãn hiệu tập thể “Khoai tây Quế Võ”. Ngoài ra, trong 5 năm, (từ 2015-2019), Quế Võ đã triển khai hỗ trợ kinh phí cho sản xuất khoai tây trên địa bàn (gồm cả khoai tây giống và khoai tây thương phẩm) theo chính sách của tỉnh  là  49 tỷ 817 triệu đồng; hỗ trợ 910 triệu đồng cho 11 kho lạnh và hỗ trợ 130 triệu đồng cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn VIETGAP gắn truy xuất nguồn gốc. Nguồn hỗ trợ này đã khuyến khích, thúc đẩy mở rộng diện tích, hình thành vùng sản xuất khoai tây thương phẩm, thực hiện sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn. Ngoài ra huyện cũng đã hỗ trợ 500 triệu đồng để xây dựng thương hiệu, in ấn bao bì, tổ chức điểm giới thiệu sản phẩm khoai tây Quế Võ.

       Thời gian tới Quế Võ tiếp tục chỉ đạo quy hoạch các vùng sản xuất khoai tây giống, diện tích 200 ha đáp ứng nguồn giống sạch bệnh cho 100% diện tích khoai tây vụ đông. Ổn định diện tích 1.500 ha khoai tây thương phẩm mỗi năm, năng suất đạt từ 18-20 tấn/ha, sản lượng đạt 27.000-30.000 tấn. Đến năm 2025, huyện phấn đấu nâng diện tích khoai tây sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn VIETGAP lên 1.000 ha. Hình thành 20 tổ hợp tác, HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây. Có 3-5 sản phẩm chế biến từ khoai tây theo chương trình OCOP. Hình thành hệ thống kho bảo quản, trữ lượng 2.000 tấn khoai giống, 5.000 tấn thương phẩm mỗi năm.

Để đạt mục tiêu nêu trên, huyện chỉ đạo tổ chức quản lý chặt chẽ các vùng sản xuất theo quy hoạch, trong đó quy hoạch và tổ chức hệ thống sản xuất giống khoai tây sạch bệnh, ứng dụng công nghệ sinh học với quy mô 2 ha sản xuất giống siêu nguyên chủng, 20 ha sản xuất giống nguyên chủng, 200 ha sản xuất giống xác nhận nhằm chủ động nguồn giống và giảm chi phí nhập khẩu. Quy hoạch và thu hút đầu tư khu sơ chế, phân loại và bảo quản khoai tây thương phẩm và các loại rau, củ, quả. Tổ chức đăng ký và đề nghị chứng nhận vùng sản xuất khoai tây thương phẩm an toàn; đăng ký sử dụng nhãn hiệu khoai tây Quế Võ. Ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ nhà lưới, nhà kính, tưới nước tự động, tiết kiệm trong sản xuất khoai tây giống sạch bệnh; công nghệ sau thu hoạch để sơ chế, và bảo quản lạnh đối với khoai tây giống và thương phẩm. Tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu, thực hiện xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho cây khoai tây./.
Duy Cảnh- Quang Hòa