Quế Võ phát huy thế mạnh sản phẩm nông nghiệp trong chương trình OCOP
Thực hiện chương trình mỗi xã, thị trấn một sản phẩm (chương trình OCOP), huyện Quế Võ đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tổ chức rà soát, lựa chọn các sản phẩm OCOP của huyện tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh, trong đó đặc biệt chú trọng phát huy thế mạnh các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Khoai tây, nông sản chủ lực trong chương trình OCOP huyện Quế Võ
Trên cơ sở rà soát, lựa chọn các sản phẩm đặc thù, có lợi thế cạnh tranh để ưu tiên đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh, năm 2019 Quế Võ đã có 6 sản phẩm được tỉnh phê duyệt gồm: Gạo tẻ thơm xã Đại xuân của HTX nông sản an toàn xã Đại Xuân; Dưa gang muối, Khoai tây cấp đông của HTX Trường An, xã Bằng an; Khoai tây của HTX Nông nghiệp xanh Quế Võ; Gốm Ngọc của Hộ kinh doanh Gốm Ngọc xã Phù Lãng; Sen củ của HTX Sen vàng Tự Phát xã Chi Lăng.
Năm 2020 Quế Võ đã có 12 xã, thị trấn đăng ký thêm sản phẩm, cụ thể ở nhóm sản phẩm khoai tây có thêm xã Đại Xuân, Việt Thống, Việt Hùng, Yên Giả đăng ký. Xã Châu Phong có 5 hộ dân đăng ký sản phẩm mật ong thiên nhiên; xã Cách Bi đăng ký nhóm sản phẩm chuối các loại; xã Yên Giả có thêm sản phẩm Rau hữu cơ của HTX Yên Thành thôn Phương Lưu và bưởi Diễn của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sơn thôn La Miệt. Xã Đại Xuân có thêm sản phẩm táo xanh của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Liên thôn Xuân Hòa; Gạo tẻ thơm có thêm xã Hán Quảng đăng ký.
Nhằm từng bước nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất, kinh doanh, nâng cao tiêu chí sản phẩm OCOP, trong năm 2019, Quế Võ đã liên kết với Công ty IQC toàn cầu triển khai sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn Việt gáp; hoàn thiện quy trình truy xuất nguồn gốc, đóng gói bao bì xúc tiến cho sản phẩm khoai tây Quế Võ. Trong đó HTX nông nghiệp xanh xã Bồng Lai đã hoàn thiện quy trình sản xuất, được cấp chứng nhận sản phẩm Việt gáp; tem truy xuất nguồn gốc và hoàn thiện bao bì đóng gói sản phẩm của 50 ha khoai tây. Sản phẩm Kim chi sen của HTX sen vàng Tự Phát đã được Ban An toàn thực phẩm tỉnh cấp Chứng nhận an toàn thực phẩm và Công ty IQC toàn cầu chứng nhận đạt tiêu chuẩn Việt gáp cho 11,7 ha vùng sản xuất tại xã Chi Lăng. Đã tổ chức sản xuất và được cấp Chứng nhận cơ sở sản xuất Việtgáp, truy xuất nguồn gốc tại thôn Can Vũ, xã Việt Hùng với diện tích 7,2 ha ổi, mít.
Huyện cũng đã chỉ đạo tổ chức các vùng sản xuất tập trung và vùng sản xuất lúa chất lượng cao để lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Theo đó, toàn huyện đã xây dựng được 271 vùng sản xuất lúa tập trung sản xuất cùng 1 giống với quy mô tối thiểu từ 3 ha trở lên, diện tích trên 3.200 ha, gồm BC15, Bắc thơm số 7, nếp 97, thiên ưu 8; khoai tây giống vụ xuân 69 vùng diện tích 186,1 ha; vùng sản xuất khoai tây vụ đông tập trung, diện tích 1.557 ha.
Đầu năm 2020, huyện đã tổ chức phiên chợ nông sản an toàn huyện Quế Võ lần thứ nhất nhằm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của các xã, thị trấn, đồng thời rà soát các sản phẩm tham gia chương trình OCOP với tổng số 22 gian hàng, trong đó có mời Công ty nông sản sạch Hà Nội tham gia 02 gian hàng để các địa phương tham quan, học hỏi sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng 02 gian hàng xúc tiến tiêu thụ sản phẩm khoai tây Quế Võ; Khảo sát, lựa chọn điểm giới thiệu và trưng bày sản phẩm OCOP tại thị trấn Phố Mới và xã Việt Hùng. Triển khai Chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm khoai tây Quế Võ trên sóng Đài truyền hình Việt Nam (VTV1) và truyền hình Thông tấn xã Việt Nam.
Có thể thấy, việc triển khai Chương trình OCOP ở Quế Võ đã bước đầu tạo ra sản phẩm có chất lượng, thương hiệu; một số sản phẩm như củ sen, khoai tây đã thâm nhập được thị trường trong siêu thị, qua đó tăng thu nhập, giải quyết việc làm, phát huy được lợi thế, tiềm năng của địa phương. Các sản phẩm đăng ký tham gia Chu trình OCOP phong phú về chủng loại, lĩnh vực và ngày càng hoàn thiện về chất lượng, mẫu mã.
Thời gian tới, Quế Võ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình OCOP; tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về khoa học công nghệ, kinh tế, thị trường cho đội ngũ cán bộ quản lý phụ trách Chương trình OCOP và lãnh đạo các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP, các tổ chức sản xuất kinh doanh có sản phẩm tiềm năng tham gia vào Chu trình OCOP của huyện. Đồng thời tiếp tục rà soát, kiểm tra và lựa chọn các sản phẩm để tiếp tục đăng ký sản phẩm năm 2020 và những năm tiếp theo./.