Quế Võ với mục tiêu phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề

20/09/2019 09:09 View Count: 1318

Với mục tiêu thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng đô thị, ngay từ năm 2016, huyện Quế Võ đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và làng nghề huyện Quế Võ giai đoạn 2016-2020. Qua hơn 3 năm thực hiện, công nghiệp, TTCN và làng nghề Quế Võ đã có nhiều khởi sắc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của một huyện nông thôn mới.

Theo thống kê, hiện tại số cơ sở sản xuất công nghiệp, TTCN ở Quế Võ (hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến, chế tạo) đã tăng từ 2.681 cơ sở năm 2016 lên 2.918 cơ sở năm 2018 và tháng 6 năm 2019 là 2.978 cơ sở. Các cơ sở này đã giải quyết việc làm cho 4.406 lao động năm 2016, đến hết 6 tháng năm 2019 tăng lên 4.950 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp địa phương toàn huyện năm 2016 (giá so sánh 2010) đạt 1.733 tỷ đồng; năm 2017 đạt 2.507,7 tỷ đồng, tăng 14% so cùng kỳ 2016; năm 2018 đạt 2.730,5 tỷ đồng, tăng 8,8% so cùng kỳ 2017, sáu tháng đầu năm 2019 đạt 1.089,8 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực làng nghề, nổi bật là sản xuất gốm tại thôn Phù Lãng và thôn Thủ Công xã Phù Lãng với gần 180 hộ làm nghề, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 800 lao động địa phương và các vùng phụ cận. Số lượng sản phẩm chính tăng từ 60.000 năm 2016 lên 69.000 năm 2018 và 37.000 sản phẩm trong 6 tháng đầu năm 2019. Giá trị sản xuất (giá hiện hành) năm 2016 đạt 80,3 tỷ đồng, năm 2017 đạt 85,5 tỷ đồng, năm 2018 đạt 88,2 tỷ đồng, tăng so cùng kỳ 2017 là 3,1%, sáu tháng đầu năm 2019 đạt 42 tỷ đồng. Hiện tại Phù Lãng đã có 10 hộ chuyển đổi mô hình lò đốt từ củi sang lò gas chuyên làm các sản phẩm gốm mỹ nghệ, giá trị mỗi lò từ 130-350 triệu đồng. Việc đầu tư đưa công nghệ mới vào sản xuất không chỉ làm gia tăng giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần giảm tải tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra.

Sản xuất gốm mỹ nghệ, hướng đi mới của làng nghề gốm Phù Lãng

Không chỉ có làng nghề gốm Phù Lãng, Quế Võ còn có làng nghề mây tre đan thôn Quế Ổ xã Chi Lăng với 500/703 hộ làm nghề, theo mùa vụ 1 hộ làm ra từ 30 40 sản phẩm/ngày, thu nhập từ 80 đến 150 nghìn đồng/ngày với các sản phẩm chủ yếu là đan mây tre hàng mã; nghề đan bị cói, chiếu lót ở Quế Ổ với khoảng 200 hộ làm nghề, trung bình mỗi hộ làm ra từ 10-15 sản phẩm/ngày, thu nhập từ 80 đến 120 nghìn đồng/ngày. Tại xã Hán Quảng cũng có 500 hộ làm nghề mây tre đan (chủ yếu là hàng mã), thu nhập trung bình mỗi hộ từ 80 đến 120 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra tại xã Đại Xuân còn có một số nghề truyền thống lâu đời như làm bánh đa, làm mỳ; xã Việt Thống có nghề rèn dao kéo làng Vát..., song quy mô nhỏ lẻ, phân tán, việc duy trì sản chủ yếu phục vụ tiêu dùng trong xã.

Phát triển công nghiệp, TTCN và làng nghề đã giúp cho bức tranh kinh tế xã hội Quế võ ngày thêm khởi sắc

Điểm nổi bật ở Quế Võ là sự phát triển của các khu công nghiệp, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương ngày càng vững mạnh. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 04 khu Công nghiệp, tổng diện tích hơn 1.000 ha, thu hút hàng trăm doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Trong đó khu công nghiệp Quế Võ 1 mở rộng (quy mô 618 ha, diện tích thuộc huyện Quế Võ mở rộng là 200,1 ha) đã đi vào hoạt động hiệu quả. Khu công nghiệp Quế Võ 2 (quy mô 269,48 ha) đang đầu tư hạ tầng, đã thu hút trên 20 doanh nghiệp hoạt động. Khu công nghiệp Quế Võ 3 (quy mô 530 ha) đang đầu tư hạ tầng, đã có 05 doanh nghiệp hoạt động. Khu công nghiệp An Việt - Quế Võ 6 (quy mô 78,6 ha) đang lập quy hoạch chi tiết. Ngoài các khu công nghiệp tập trung, Quế Võ hiện có 02 cụm công nghiệp là Cụm Châu phong - Đức Long diện tích trên 50 ha và Cụm công nghiệp hỗ trợ Cách Bi diện tích 72 ha.  Sự phát triển mở rộng của các khu công nghiệp trên địa bàn huyện đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế công nghiệp toàn tỉnh.

Thực hiện chương trình khuyến công, hỗ trợ đào tạo phát triển ngành nghề, từ năm 2016 đến nay Quế Võ đã mở 112 lớp đào tạo nghề cho người lao động, với một số nghề chủ yếu như trồng hoa cây cảnh, nấu ăn, mây tre đan, mộc dân dụng, may công nghiệp..., tổng số học viên được đào tạo là 4.102 người. Qua các lớp đào tạo đã có 60-70% học viên tìm được việc làm ổn định trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, số còn lại tự mở cơ sở cho riêng mình.

Có thể thấy, sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, TTCN, làng nghề ở Quế Võ không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện từ nông nghiệp sang TTCN, dịch vụ mà còn hình thành các khu dân cư, dịch vụ gắn với phát triển cụm công nghiệp, làng nghề, nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động và ổn định an sinh xã hội, giảm dần sự cách biệt giữa đô thị và nông thôn trên địa bàn hiện nay./.

Duy Cảnh