Bắc Ninh chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh luôn chú trọng công tác đào tạo ngề cho lao động nông thôn (LĐNT), gắn với thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển đô thị, ngay từ giữa năm 2010 tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”.
Theo đó, Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của từng địa phương cơ sở nhằm xây dựng nguồn nhân lực có trình độ tay nghề, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu nguồn lao động nông thôn trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trong đó đặc biệt chú trọng việc điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của LĐNT, làm cơ sở cho tỉnh phê duyệt danh mục ngành nghề đào tạo, định mức chi phí đào tạo và hỗ trợ cho các đối tượng tham gia đào tạo nghề LĐNT.
Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH (ảnh minh họa)
Giai đoạn 2010-2017 Bắc Ninh đã phê duyệt danh mục ngành, nghề đào tạo; mức chi phí đào tạo cho 06 nghề nông nghiệp và 28 nghề phi nông nghiệp. Giai đoạn 2018-2020 phê duyệt cho 11 nghề nông nghiệp, 16 nghề phi nông nghiệp. Trong 10 năm qua Bắc Ninh đã có gần 370.000 lao động nông thôn được tuyển sinh, đào tạo nghề ở các cấp trình độ, theo đó tỷ lệ lao động trong tỉnh qua đào tạo đã tăng theo từng năm. Cụ thể từ 45% năm 2010 tăng lên 60% năm 2015, năm 2016 là 63%, năm 2017 là 66%, năm 2018 là 69%, ước thực hiện năm 2019 đạt 72%. Mục tiêu Bắc Ninh đặt ra đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%.
Theo thống kê đến hết năm 2018, Bắc Ninh đã triển khai hỗ trợ đào tạo nghề được cho 50.669 LĐNT, tổng kinh phí hỗ trợ là 176,02 tỷ đồng. Số người có việc làm sau đào tạo là 40.849 người, đạt 80,62%, trong đó 18.380/22.075 người được hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp có việc làm sau đào tạo, đạt tỷ lệ 83,26%; 22.469/28.594 người được hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp có việc làm sau đào tạo, đạt tỷ lệ 78,58%; 3.785 người được doanh nghiệp tuyển dụng; 6.354 người được doanh nghiệp nhận ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; 18.053 người sau đào tạo tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động và thu nhập tăng lên; 12.256 người tự tạo việc làm sau đào tạo; 401 người thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ sản xuất. Ngoài ra, toàn tỉnh có 460 hộ nghèo có người tham gia học nghề, có việc làm sau đào tạo và đã thoát nghèo; 1.220 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, có thu nhập cao trở thành hộ gia đình có thu nhập khá tại địa phương.
Trong quá trình thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, Bắc Ninh đã ban hành các chính sách đặc thù như nâng độ tuổi cho đối tượng được hỗ trợ học nghề; quy định chế độ hỗ trợ đào tạo và sử dụng lao động đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi, động viên, thu hút lao động nông thôn tham gia học nghề gắn với việc làm tại các doanh nghiệp.
Cơ quan chức năng tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, rà soát danh mục nghề đào tạo, chỉ đạo thực hiện phương châm "chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề"; dạy nghề gắn với thế mạnh của địa phương cơ sở, với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động chuyển từ dạy theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, dạy nghề theo nhu cầu học nghề của LĐNT gắn với thị trường lao động trong quy hoạch phát triển sản xuất ở cơ sở.
Nhờ vậy, tỷ lệ lao động nông thôn ở Bắc Ninh được hỗ trợ đào tạo có việc làm sau đào tạo giai đoạn 2010-2015 đạt bình quân 80,29%, giai đoạn 2016-2020 đạt 83%; trong đó số LĐNT có việc làm sau đào tạo gắn với các doanh nghiệp đạt tỷ lệ 25%. Những kết quả này đã góp phần tích cực vào việc thực hiện tiêu chí 14.3 (tỷ lệ LĐNT có việc làm qua đào tạo) trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay Bắc Ninh đã có 89/97 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 5/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành và được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Theo kế hoạch, Bắc Ninh phấn đấu đến hết năm 2020 có 100% xã đạt chuẩn NTM, 8/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTN và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM./.