Tăng cường quản lý việc nuôi cá lồng trên sông

02/08/2019 16:56 View Count: 138

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, hiện nay nghề nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tập trung phát triển ở các huyện ven sông Đuống, sông Thái Bình và một số ít trên sông Cầu. Tính đến tháng 7/2019, toàn tỉnh hiện 1.990 lồng, trong đó huyện Lương Tài 750 lồng, Quế Võ 365 lồng, Gia Bình 362 lồng, Tiên Du 201 lồng, Thuận Thành 188 lồng và Yên Phong 124 lồng.

Nuôi cá lồng trên sông mang lại thu nhập cao, ổn định với thể tích lồng nuôi 6mx6mx3m (108m3) cho năng suất 4-6 tấn/lồng/vụ nuôi, sau khi trừ chi phí các hộ có lãi bình quân 40-60 triệu đồng/lồng. Cá nuôi trong lồng có chất lượng thịt cá ngon, đảm bảo an toàn nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nuôi cá lồng trên sông Đuống, đoạn qua xã Chi Lăng huyện Quế Võ đang mang lại thu nhập cao cho người dân

Tuy nhiên qua nắm bắt tình nuôi cá lồng trên sông cho thấy, mặc dù thời gian qua ngành nông nghiệp đã tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn kỹ thuật, quan tâm đến công tác quan trắc môi trường, khuyến cáo phòng chống dịch bệnh để các hộ nuôi biết và thực hiện, nhưng vẫn còn một số khu vực nuôi cá lồng người dân chưa nghiêm túc thực hiện quy định đăng ký cấp phép đường sông, một số hộ nuôi thiếu kiến thức kỹ thuật, nắm bắt thị trường chưa tốt do vậy nuôi cá bị lỗ, hiệu quả kinh tế chưa cao, nguy cơ mất an toàn về giao thông đường thủy, rủi ro về dịch bệnh, môi trường… là rất lớn.

Để triển khai thực hiện Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, ngày 08/3/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh đề nghị UBND các huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã đang có các cơ sở nuôi cá lồng trên sông thực hiện rà soát, nắm bắt toàn bộ các điểm nuôi, hộ nuôi, số lồng nuôi cá hiện có trên địa bàn, yêu cầu các hộ nuôi cá lồng phải thực hiện đăng ký nuôi trồng thủy sản tuân thủ nghiêm các quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, ngày 08/3/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Tuyệt đối không để việc nuôi cá lồng trên sông làm cản trở, ảnh hưởng đến dòng chảy, giao thông đường thủy, hệ thống đê điều, khu vực đầu nguồn nước của các nhà máy cấp nước sinh hoạt.

Đối với các hộ đang nuôi lồng, có nhu cầu mở rộng hoặc nuôi mới cần thực hiện đăng ký nuôi trồng thủy sản theo quy định, đồng thời thực hiện kê khai khi thả giống nuôi vụ mới và định kỳ 6 tháng/lần với chính quyền địa phương để theo dõi, quản lý. Khuyến cáo, hướng dẫn các hộ nuôi khi đặt lồng phải đảm bảo về khoảng cách giữa các cụm lồng (các cụm lồng bè khi đặt song song phải cách nhau tối thiểu 10m; khi đặt so le, nối tiếp cách nhau tối thiểu 200m) để đảm bảo oxy cho cá, an toàn và tránh va chạm gây thiệt hại trong mùa mưa bão.

Hướng dẫn các hộ nuôi thường xuyên vệ sinh lưới để lồng nuôi được thông thoáng, sạch sẽ; hàng ngày theo dõi môi trường nước, hoạt động của cá nếu thấy môi trường nước xấu, cá kém ăn hoặc dấu hiệu bệnh phải có biện pháp xử lý kịp thời; không di chuyển cá khi đang có bệnh nhằm tránh lây lan. Thực hiện việc thu gom cá chết, chất thải và các bao nilon để xử lý theo quy định.

Hướng dẫn các hộ chọn đối tượng nuôi, mật độ cá thả, thời vụ nuôi phù hợp với điều kiện môi trường tại khu vực đặt lồng, điều kiện kinh tế và khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật để cá sinh trưởng, phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế khi thu hoạch.

Không khuyến khích nuôi cá lồng trên sông Cầu (địa phận huyện Yên Phong) và những địa điểm chưa được cơ quan quản lý đường thủy cấp phép nuôi trồng thủy sản, có lưu tốc dòng chảy lớn và có nguy cơ xẩy ra mất an toàn giao thông đường thủy... Đối với các hộ đang nuôi cần kiên quyết chỉ đạo, yêu cầu các hộ nuôi thực hiện nghiêm các nội dung quy định tại mục 1 nêu trên để đảm bảo an toàn các lồng nuôi. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản”./.

BBT