Hiện tượng chủ quan sau khi mắc Covid-19
Thời gian qua, với những nỗ lực tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, toàn xã hội đã dần trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, số lượng F0 điều trị khỏi ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người sau khi mắc COVID-19 lại có tâm lý cho rằng, bản thân đã tiêm 3 mũi vaccine và cơ thể đã sinh ra kháng thể nên sẽ không bị tái nhiễm. Các chuyên gia cho rằng, đây là tâm lý chủ quan, tiềm ẩn những nguy cơ tiêu cực đối với bản thân người dân cũng như công tác phòng, chống dịch của cộng đồng…
Những người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh cần nêu cao ý thức phòng, chống dịch; không được chủ quan, lơ là, vì đã khỏi bệnh không có nghĩa là cơ thể sẽ được miễn dịch suốt đời. Từng cá nhân nhiễm COVID-19 sau khi khỏi bệnh, phải tự giác chấp hành nghiêm quy định 5K; hạn chế tiếp xúc; nếu cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và vệ sinh tay thường xuyên với dung dịch sát khuẩn.
Đặc điểm nổi bật của COVID-19 đó là liên tục xuất hiện các biến chủng khác nhau. Do đó, sau khi khỏi COVID-19, người bệnh hoàn toàn có thể dương tính với các biến chủng hoặc các thể virus khác, tức là dù điều trị khỏi COVID-19, người bệnh vẫn đứng trước nguy cơ tái nhiễm. Ghi nhận thực tế cho thấy, đã có không ít trường hợp mắc COVID-19 điều trị khỏi, nhưng chỉ trong vòng thời gian ngắn lại tiếp tục bị tái nhiễm.
Bác sỹ Đàm Thận Hiển - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Quế Võ chia sẻ: Nhiều người cho rằng đã mắc COVID-19 rồi thì sẽ không mắc lại là sai lầm, vì mình có thể mắc biến chủng này rồi lại mắc biến chủng khác và tại chính biến chủng Omicron cũng có những thể khác nhau nên hoàn toàn có thể tái nhiễm. Thời điểm đầu khi F0 mới khỏi bệnh thì khả năng tái nhiễm ngay sau đó với cùng một biến chủng là không cao vì hệ miễn dịch đang ở trạng thái đủ khả năng bảo vệ. Song vẫn có khả năng sẽ bị tái nhiễm khi tiếp xúc với các F0 khác nhất là tiếp xúc trực tiếp; khả năng tái nhiễm sẽ trở lên cao hơn đối với những người hệ miễn dịch yếu, các virus khác hoặc biến thể mới có thể xâm nhập gây bệnh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, thông thường, sau 1 - 2 tháng từ khi khỏi COVID-19, người bệnh có khả năng tái nhiễm; nguy cơ tái nhiễm sẽ cao hơn sau khoảng 3 tháng do kháng thể suy giảm theo thời gian. Vì vậy, sẽ rất nguy hiểm nếu người dân có tâm lý chủ quan sau khi khỏi COVID-19, nhất là trong bối cảnh những biến chủng mới của COVID-19 có khả năng thâm nhập vào các tế bào trong cơ thể rất nhanh, khi lượng kháng thể do cơ thể tạo ra chưa kịp đáp ứng yêu cầu kháng virus.
Thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm với các chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau.
Với tâm lý chủ quan, F0 sau khi điều trị âm tính nếu tái nhiễm sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm đối với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Có thể khi tái nhiễm những triệu chứng ở người bệnh sẽ rất nhẹ, thậm chí không có triệu chứng; nhưng lúc đó, F0 tái nhiễm sẽ trở thành nguồn lây bệnh, trực tiếp đe dọa sức khỏe của mọi người xung quanh, nhất là những người có bệnh nền, những người chưa mắc COVID-19, người già và trẻ nhỏ chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.
Thực tế, việc tái nhiễm và số lần tái nhiễm COVID-19 tùy thuộc vào lượng kháng thể, sức đề kháng và thể trạng của mỗi người. Những người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh cần nêu cao ý thức phòng, chống dịch; không được chủ quan. Âm tính hoàn toàn không có nghĩa là tạo được miễn dịch suốt đời. Do vậy, sau khi mắc và khỏi COVID-19, từng người vẫn phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K; hạn chế tiếp xúc; nếu cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và vệ sinh tay thường xuyên với dung dịch sát khuẩn. Mỗi người cần tăng cường miễn dịch bằng việc tích cực tập luyện thể thao ở mức độ vừa phải; bổ sung dinh dưỡng hợp lý và đặc biệt là cần tuân thủ nguyên tắc 5K để không bị tái nhiễm với COVID-19; góp phần bảo vệ cho chính mình và những người xung quanh.
Đối với những F0 đã khỏi bệnh, cần tiếp tục tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế để tăng lượng kháng thể, tăng khả năng bảo vệ và tránh tái nhiễm. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với nhóm người trên 65 tuổi, người hay sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và người có nhiều bệnh lý nền, cao huyết áp, đái tháo đường... thuộc nhóm nguy cơ cao tái nhiễm COVID-19.
Để tránh tâm lý chủ quan sau khi khỏi bệnh, các xã, thị trấn và cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ tái nhiễm, sự nguy hiểm khi tái nhiễm, các biện pháp tránh nguy cơ tái nhiễm COVID-19. Thường xuyên tuyên truyền để người dân loại bỏ những suy nghĩ chủ quan; tiếp tục nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân; chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Qua đó, vừa giúp hạn chế tỷ lệ tái nhiễm COVID-19, vừa góp phần bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch và đẩy nhanh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới.