Cần tránh tâm lý chủ quan rồi ai cũng thành F0

17/03/2022 09:16 View Count: 464

Trong những ngày qua, khi số lượng ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn huyện Quế Võ tăng cao: mỗi ngày có gần 1 nghìn ca, nhiều người đã suy nghĩ “rồi ai cũng thành F0”. Suy nghĩ này nảy sinh tâm lý chủ quan trong cộng đồng về công tác phòng, chống dịch bệnh, có thể làm cho số ca nhiễm COVID-19 tăng cao hơn. Điều này không chỉ gây áp lực lên hệ thống y tế mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Vậy, chúng ta cần làm gì để giảm ca mắc mới cũng như sớm dập dịch?

Hiện nay, chúng ta đã từng bước nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Đó là chủ trương đúng, nhận được sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Có được điều đó chính là do chúng ta đã thần tốc bao phủ vaccin toàn dân, với tỉ lệ cao. Điều này lý giải vì sao tỉ lệ người bệnh chuyển nặng hoặc tử vong rất thấp.

Thời gian gần đây, số lượng người nhiễm COVID-19 lại tăng cao. Ngày 15/3, Quế Võ ghi nhận hơn 800 ca nhiễm mới; Điều đáng nói là cũng vì số ca liên tục tăng và liên tục “lập kỷ lục mới” nên trên các trang mạng xã hội có nhiều tin, bài đăng với nội dung: Rồi ai cũng thành F0, hắt hơi, đau đầu, ho, uống thuốc vài ba hôm là hết. Đây là điều khiến dư luận cảm thấy bất an, chuyên gia cảm thấy lo lắng.

Nói về tâm lý này, ông Phạm Đình Đức - Trưởng phòng Y tế huyện khuyến cáo người dân cần tránh tâm lý chủ quan, chờ đợi “ai rồi cũng thành F0”. Bởi vì được chữa khỏi COVID-19 không có nghĩa là hoàn toàn vô sự. Nhiều ca F0 sau khi có các kết quả xét nghiệm âm tính vẫn gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, thậm chí phải quay trở lại bệnh viện để điều trị. Nếu buông xuôi, thả lỏng, nghĩ "ai rồi cũng thành F0" thì rất nguy hiểm, kéo theo vô số những hệ lụy, các F0 sẽ trở thành nguồn lây cho nhiều người khác, nguy hiểm hơn là lây cho người già, người có bệnh nền và trẻ em, khiến dịch lây lan theo cấp số nhân làm cho quá tải hệ thống y tế, khiến số ca bệnh nặng, tử vong tăng vọt.


Mọi người cần tránh tâm lý chủ quan, chờ đợi “ai rồi cũng thành F0”

          Ngay lúc này, mỗi người dân không nên hoang mang lo sợ, nhưng cũng tránh tâm lý chủ quan, thả lỏng, chờ đợi “rồi ai cũng là F0” sẽ khiến nhiều người mắc hơn và dịch sẽ kéo dài, tác động tiêu cực tới việc hồi phục, phát triển kinh tế - xã hội cũng như cuộc sống. Mỗi người, mỗi gia đình cần bình tĩnh, áp dụng các biện pháp phòng chống để hạn chế số ca mắc mới; cùng đó là bảo vệ những người khỏe mạnh để tiếp tục làm việc, để cuộc sống không bị “đứng im”, “đóng băng”, không dịch chuyển…

Các chuyên gia y tế cũng đã lưu ý, không riêng gì F0 hay F1, mà tất cả mọi người cần nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch, tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế, nâng cao ý thức tham gia tiêm vaccin phòng COVID-19 đầy đủ … Khi thấy dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe cần xét nghiệm COVID-19 tại nhà, nếu dương tính, cần báo cho lực lượng y tế nơi cư trú. Các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành chức năng.

Sống chung với dịch bệnh COVID-19 là quyết tâm lớn đòi hỏi ý thức của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Cùng với vaccin thì việc thực hiện nghiêm chỉnh quy định 5K là “lá chắn” hết sức quan trọng để chặn đà lây lan của virus, để dịch sớm được dập tắt. Đây cũng là thời điểm rất cần những quyết định đúng đắn, sáng suốt của ngành Y tế cũng như chính quyền các cấp, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và cũng là của từng cá nhân, từng gia đình và cả cộng đồng. Vì thế, người dân cần sớm loại bỏ tâm lý “Rồi ai cũng bị f0” và tích cực, chủ động hơn nữa để chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19./.

DT