Chuyện về những nông dân kiểu mới

29/10/2019 16:30 View Count: 176

Rời xa hình ảnh lam lũ, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” vẫn hằn in trong tâm thức của nhiều người, giờ đây, có ngày càng nhiều nông dân Bắc Ninh sắm ô tô đi thăm đồng, mặc những bộ vest phẳng phiu tham gia ký kết ở sàn giao dịch quốc tế, dõng dạc phát biểu tại các hội nghị của địa phương về xây dựng Nông thôn mới…

Mỗi người bằng những cách thức khác nhau đã chứng minh chỉ cần làm mới tư duy, kiên trì đi theo con đường khác biệt đều có thể viết nên câu chuyện thành công của riêng mình - chuyện những nông dân kiểu mới.

Ông Tô Như Khoa, Giám đốc HTX Đức Lân hướng dẫn nông dân bón vật tư theo đúng quy trình VietGap.

Giám đốc HTX “hồi sinh” cây lúa nếp

Giữa cánh đồng lúa nếp cái hoa vàng uốn cần câu no nắng gió, người Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Lân (Yên Phụ, Yên Phong), ông Tô Như Khoa cầm sổ ghi chép đến từng đầu bờ hỏi han những nông dân đang tất bật bước vào giai đoạn chăm bón cuối cùng trước thời điểm thu hoạch. Vừa tỉ mỉ cân đong lượng phân bón hạt cho vừa đủ theo quy chuẩn được phổ biến, bà Nguyễn Thị Toản, người dân thôn Đức Lân phấn chấn: “Cây lúa nếp cái hoa vàng là sản vật quý trời ban cho đồng đất Đức Lân. Ấy thế mà, khi công nghiệp về, người người đổ nhau ra chốn sầm uất, có giai đoạn tưởng như dân làng bỏ hẳn việc cày cấy. May nhờ có ông Giám đốc HTX đã hồi sinh lại danh tiếng cây lúa và niềm tự hào của chúng tôi”.

Tiếp quản HTX từ năm 2007, sau một thời gian dài chuẩn bị, thăm dò, đến năm 2012, ông Khoa bắt đầu tiến hành cuộc cách mạng trên cánh đồng quê. Lúc này, không chỉ cây lúa bị thờ ơ, nhiều thửa ruộng bị bỏ hoang, cả uy tín của HTX dịch vụ nông nghiệp cũng không còn được hơn 500 thành viên tin tưởng. Cùng lúc đó, để triển khai chủ trương dồn điền đổi thửa thực hiện Nông thôn mới của địa phương, ông và đội ngũ cán bộ HTX đến từng dòng họ, từng hộ gia đình thuyết phục chuyển đổi từ chân ruộng nhỏ thành chân ruộng to quy mô tới hàng mẫu một thửa.

 Mỗi họ cử một người làm đại diện để ký cam kết với HTX và thống nhất 100 hộ tham gia sản xuất theo phương pháp mới - VietGap. Từ đó, HTX chia các hộ thành 10 tổ với các phần việc chuyên trách như tổ cơ giới hóa, tổ thủy nông, tổ vật tư… Nhờ vậy, cả cánh đồng 50ha chuyên sản xuất lúa nếp cái hoa vàng được xuống giống, chăm sóc bón phân, phun thuốc trừ sâu cho tới thu hoạch cùng thời điểm. Các tổ trưởng chịu trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện tại từng hộ thành viên và có ghi nhật ký cụ thể. “Chỉ có tổ chức sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn bài bản với hiện diện của VietGap, mới có thể đưa cây lúa nếp ở đây thuyết phục doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cuối cùng, nâng giá trị kinh tế để người dân tiếp tục gắn bó với cây lúa đặc sản này”- ông Khoa nói giọng chắc nịch.

 Kể từ sau khi được chứng nhận VietGap lần đầu năm 2013, hàng năm, công ty Giống cây trồng Thái Bình đều tổ chức thu gom 200 tấn trên tổng số 270 tấn lúa nếp thu hoạch được mỗi vụ của HTX. Năng suất tăng, giá bán được từ 2-2,5 triệu đồng/sào, đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân, góp phần vào việc thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng Nông thôn mới ở Yên Phụ. Quan trọng hơn, việc từ bỏ lề lối canh tác manh mún, thuận theo tự nhiên, kinh nghiệm, sang sản xuất quy mô lớn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới, ông Khoa từng bước khiến người ta tin hơn vào làm nông thời công nghiệp, cũng như tin vào chính ông - một Giám đốc HTX kiểu mới.  HTX cũng vừa được Tỉnh ủy Bắc Ninh khen thưởng vì có nhiều thành tích thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về phát triển kinh tế tập thể.

Công nghệ mới cho làng nghề cũ

Ở phía bên kia sông, đến thôn Tử Nê, xã Tân Lãng (Lương Tài), chúng tôi bất ngờ khi không còn bắt gặp hình ảnh người dân vất vả phơi từng phên mỳ ra ngoài sân cho kịp nắng và chút nữa lầm tưởng công việc làm mỳ gạo tồn tại hàng trăm năm tại nơi đây bị mai một.

Như hiểu được sự băn khoăn ấy, ông Nguyễn Văn Hoàng, trưởng thôn vui vẻ: “Cả thôn có 600 hộ dân thì có 100 hộ làm mỳ. Nghề truyền thống vẫn được duy trì nhưng quy trình sản xuất chuyển hẳn theo hướng hiện đại. Trước đây để cho ra được thành phẩm sợi mỳ khô, người dân phải dậy từ khi trời chưa sáng để ngâm gạo, xay, tráng bánh rồi đem phơi khi còn đang nắng. Còn từ khi thay đổi công nghệ, giảm trừ tuyệt đối rủi ro về khí hậu, chất lượng mỳ cao hơn và năng suất gấp 10 lần so với sản xuất thủ công. Nhờ phát triển nghề làm truyền thống, người dân nơi đây đã từng bước thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn hiện dưới 1,03%. Chúng tôi cũng đăng ký thương hiệu mỳ Tử Nê qua đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” của tỉnh”.

Điển hình trong các hộ tiên phong làm mới quy trình sản xuất mỳ sợi là cơ sở Nội Hà của chị Nguyễn Thị Hà (1987). Xuất thân trong gia đình có nhiều đời làm mỳ, nhưng với tâm thế của người trẻ dám nghĩ dám làm, năm 2017, chị Hà tìm tòi mua các loại máy phục vụ từng công đoạn sản xuất như máy xay, nồi hơi, máy quay, máy cắt sợi. Việc sử dụng máy móc từ khâu đầu tiên đến bước cuối cùng làm giảm sức lao động của con người, quy trình sấy hơi trong nhà kín khiến sợi mỳ không bị ám bụi bẩn hay nấm, mốc do tác động môi trường phơi ngoài trời trong khi vẫn giữ được hương vị mỳ đặc trưng như cũ.

Với 10 lao động thường xuyên làm việc cả ngày lẫn đêm, mỗi tháng cơ sở sản xuất mỳ của chị Hà cho ra 30 tấn thành phẩm, thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng, duy trì việc làm cố định cho 30 hộ trong thôn, trong đó 4 hộ cung cấp gạo, 26 hộ thu mua, đóng gói và xuất đi nhiều khu công nghiệp.

Cử nhân cơ khí đi buôn thỏ

Còn anh Phạm Trọng Thuần (1984), Giám đốc HTX chăn nuôi thỏ Nhật Việt thôn Vệ Xá, xã Đức Long (Quế Võ) lại kể cho chúng tôi câu chuyện rẽ lối từ cử nhân Đại học Bách khoa Hà Nội ngành Cơ khí và Quản lý kinh tế về lăn lộn với đất. Giống như nhiều sinh viên giỏi sau khi ra trường, anh tìm được công việc tốt, đúng ngành học tại một công ty kính. Những tưởng mọi thứ sẽ trôi chảy như vậy, nhưng đến năm 2014, anh quyết định nghỉ việc để xây dựng trang trại nuôi thỏ chiết xuất thành thuốc tại quê nhà trong sự gay gắt phản đối của tất cả người thân.

Anh Phạm Trọng Thuần, Giám đốc HTX chăn nuôi thỏ Nhật Việt (Quế Võ) tiến hành ghép lồng cho đàn thỏ chuẩn bị vào mùa sinh sản.

Sau 5 năm từ thử nghiệm đến làm chủ quy trình chăn nuôi với bao thất bại, trở ngại về vốn, đất, kỹ thuật, mô hình của anh Thuần hiện có quy mô 11.000m2 với 800 con thỏ cái giống Newzealand. Số lượng thỏ con được nuôi đến 2,3kg sẽ xuất bán. Trung bình mỗi tháng cơ sở xuất bán 2.500 đến 3.000 con theo dạng hợp đồng bao tiêu toàn bộ với Tập đoàn Dược phẩm Nippon Zoki (Nhật Bản) chi nhánh Bắc Ninh. Đây cũng là đối tác duy nhất trên địa bàn tỉnh của Nhà máy Nippon Zoki KCN Quế Võ.

 Bật mí về bí quyết thành công, anh Thuần chỉ ngắn gọn: “Để có được hợp đồng cung ứng độc quyền đó không phải dễ dàng, nhất là với một đối tác chuyên nghiệp, chặt chẽ như Nhật Bản. Toàn bộ quá trình nuôi của chúng tôi phải tuân thủ và bảo đảm tiêu chuẩn từ khâu phối giống, theo dõi mang thai, tới tiêm phòng... Từng con thỏ trước khi xuất bán đều được gắn mã truy xuất trên tai, đủ cân nặng, da không có một mảnh xước. Bên cạnh sự nhanh nhạy, mình còn phải duy trì niềm tin với bạn hàng khi giá thị trường lên cao, xuống thấp mình vẫn kiên định bán đủ, bán đúng với những gì đã ký kết. Có như vậy, mối liên kết tiêu thụ mới bền vững và xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp là yếu tố cốt lõi để thành công trong thị trường mở như hiện nay”.

 Hiện nay, anh đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín với hệ thống tích hợp theo dõi, điều khiển từ xa toàn bộ quá trình chăn nuôi. Để đáp ứng đủ số lượng, HTX cũng triển khai hợp tác, chuyển giao thỏ giống cho 5 trang trại vệ tinh. Với giá bán 178.000 đồng/con, mỗi tháng doanh thu của cả HTX đạt ngưỡng 500 triệu đồng, là con số mơ ước của nhiều nông dân.

Tự hào chia sẻ về những hội viên kiểu mới, ông Trần Đăng Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhấn mạnh: “Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới luôn xác định nông dân là chủ thể: chủ thể xây dựng và chủ thể hưởng thụ. Vượt lên những khó khăn về vốn, đất đai, tập quán canh tác cũ, những người nông dân hiện nay không ngừng đổi mới toàn diện để thích ứng với thời cuộc.

 Để đồng hành cùng họ, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ, tăng cường các chương trình đào tạo, tập huấn; kết nối để các mô hình nông dân khởi nghiệp tiếp cận chính sách ưu đãi trên tinh thần không ngừng cổ vũ người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Để từ thành công của những nông dân kiểu mới, đời sống nông thôn ngày càng khấm khá hơn và chặng đường xây dựng Nông thôn mới nâng cao không chỉ là chương trình để báo cáo thành tích phong trào mà thực sự là động lực để nông dân chuyển mình, tự tin vươn ra biển lớn”.

Báo BN