ĐÌNH VỆ XÁ

16/06/2023 14:45 View Count: 286

Đình Vệ Xá thuộc xã Đức Long, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Di tích nằm trong khuôn viên rộng có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng xum xuê tạo không gian xanh mát, cổ kính.

Đình Vệ Xá vốn được khởi dựng từ lâu đời, nhưng do vị trí của thôn nằm ở bãi sông nên thường xuyên bị lụt lội đã làm ảnh hưởng lớn di tích. Trong kháng chiến chống Pháp, năm 1947 quân giặc đã tháo dỡ sàn và cửa đình về làm bốt. Năm 1968, do lụt lội tường bị sụp đổ, đình bị hạ giải, nhiều hiện vật tài liệu quý bị thất lạc, hư hại. Năm 2000, ngôi đình được khôi phục lại trên nền móng cũ. Trong thời gian này, nhiều tài liệu hiện vật, đồ thờ được sưu tầm, bổ sung. Năm 2004, đảo ngói đình. Năm 2019, trùng tu tôn tạo toàn bộ di tích.

Đình đình Vệ Xá (ảnh chụp năm 2002)

Đình đình Vệ Xá hiện nay

Hiện nay, Đình Vệ Xá có mặt bằng kiểu chữ Đinh gồm: Đại đình Hậu cung, mặt quay hướng Nam. Đại đình kiến trúc kiểu 4 mái đao cong. Bộ khung chịu lực gồm 4 bộ vì tạo thành 3 gian 2 chái, chất liệu bê tông cốt thép, riêng hoành, rui bằng gỗ. Kết cấu vì nóc kiểu chồng rường giá chiêng, vì nách gian giữa kiểu “ván mê” đắp tứ linh, vì nách gian bên kiểu chồng rường. Trên một số cấu kiện như câu đầu, xà nách đắp vẽ hoa lá đơn giản, các cấu kiện khác để trơn. Hậu cung gồm 4 bộ vì tạo thành 3 gian, kết cấu vì nóc kiểu chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu chồng rường, các cấu kiện bào trơn không chạm khắc trang trí.

Kết cấu bộ khung chịu lực toà Đại đình

Bộ cửa võng gian giữa toà Đại đình

Hiện nay, trong đình Vệ Xá còn lưu giữ một số cổ vật, đồ thờ có giá trị, tiêu biểu như: 02 lư hương sành thời Lê, 01 bia đá “Hậu thần bi ký” niên đại Tự Đức 27 (1875), 03 đạo sắc phong vào các năm 1887, 1911, 1924; 01 mâm rước gỗ, 01 bộ đèn rước gỗ, 01 chóe sành thời Nguyễn, 01 bản kê thần tích năm 1938. Ngoài ra còn 01 sập thờ, 02 hương án, 02 bộ long ngai bài vị, 01 bộ đỉnh đồng, 01 bộ bát biểu, 05 bức hoành phi, 03 đôi câu đối là những hiện vật được bổ sung sau khi di tích được khôi phục lại. Đây là các hiện vật tiêu biểu và là nguồn sử liệu quan trọng để xác định vị trí, vai trũ của di tớch, gúp phần nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của địa phương nói riêng và làm giàu thêm kho tàng lịch sử văn hóa nước nhà.

Bát hương sành thời Lê

Ngai, bài vị thờ Thành Hoàng (thời Nguyễn)

Đình Vệ Xá là nơi tôn thờ nhị vị Thành Hoàng là: Đức Thánh Cao Uy và Đức thánh Lê Phụng. Lai lịch và công trạng của các Ngài như sau :

- Về Đức Thánh Cao Uy: Thời Hùng Nghị Vương, ở trang Yên Hòa có một gia đình họ Cao tên là Ốc Tức, vợ họ Phùng tên là Th Biên. Vợ chồng vốn là người hay làm điều thiện giúp người, sớm tối thờ Phật, dần dần trở nên giàu có. Vào ngày mùng 8 tháng Giêng năm Mậu Thân, bà Phùng mơ thấy hào quang đầy nhà, trong chốc lát có một con rắn màu trắng bò đến biến thành bông sen. Bà đưa tay trái đỡ lấy, bỗng thấy tiếng gà gáy nên tỉnh giấc bèn gọi và kể lại đầu đuôi giấc mộng cho chồng nghe. Ông biết đây là thiên thần ứng mộng, tất có niềm vui. Sau đó, bà Phùng mang thai, đến ngày mùng 9 tháng Giêng năm Kỷ Dậu sinh ra một người con trai diện mạo phương phi liền đặt tên cho con là Uy, tên chữ là Cao Minh. Đến khi trưởng thành, Uy công có tài văn võ hơn hẳn người thường. Năm 19 tuổi, giặc Ân sai Thiết Linh thần tướng sang xâm lược nước ta. Hùng Nghị Vương sai sứ chiêu mộ binh sĩ, ông tham gia hiệp đồng cùng với Thiết Sung thần tướng đánh giặc. Sau khi thắng giặc, Thiết Sung thần tướng cưỡi ngựa lên núi Vệ Linh bay lên trời, nhà vua phong là Phù Đổng thiên vương, 25 vị tướng còn lại được phong theo thứ bậc. Uy công được phong thưởng xung làm đệ nhị, ban tên hiệu là Bao Quốc Công điều đi trấn nhậm ở trấn Vũ Ninh. Ông phụng mệnh phủ dụ dân chúng lưu vong trở về sinh sống khiến ai ai cũng cảm thấy toại nguyện. Đến đâu ông cũng được khen ngợi, người dân khắp chốn đều hàm ơn công đức giáo hóa của ông.

Ông cai quản ở trấn Vũ Ninh trong 15 năm. Bấy giờ, gặp tiết xuân ấm áp, ông thư thả tuần du trong bản trấn. Đến ngày 12 tháng 3 đến trang Vệ Xá, các cụ phụ lão ở đây cùng nhau đón tiếp. Ông thấy địa thế nơi đây có một gò cao đích thị quý cục bèn lập một hành cung, ban cấp ruộng, tiền cho dân địa phương. Đến ngày 14 tháng 8 hành cung hoàn thành, ông trở về Phong Châu, nhà vua ban thưởng, gia phong cho ông là An Quốc Công. Năm ông 80 tuổi, vào ngày 5 tháng 10, ông thấy thân thể đau nhức bèn dựa vào lan can ngủ thiếp đi, mơ thấy một ông già mặc áo xanh tay cầm cờ vàng từ trên trời giáng xuống báo rằng: “Thượng đế có sắc triệu ông về triều, ông hãy về mau chớ có chậm trễ”. Ông tỉnh dậy kể lại cho mọi người trong gia khuyến biết. Đến ngày 15, tuy không có bệnh nhưng ông cũng hóa. Hùng Nghị Vương nhớ đến bề tôi trung thần có công với nước, ban cho trang An Hòa làm ấp thang mộc, miễn các loại tô thuế lao dịch, sắc cho các trang khu của trấn Vũ Ninh trước đây là cung sở cũ mua ruộng đất, miễn trừ lao dịch để chuyên phụng thờ ông. Trong đó có trang Vệ Xá, xã Đức Long, thị xã Quế Võ ngày nay.

- Về Đức thánh Lê Phụng (Phụng Phật cư sĩ): Xưa kia ở trang Lệ Mật có ông Lê Danh Mẫn và bà Hồ Thị Bình tuy tuổi cao nhưng vẫn chưa sinh nở lần nào. Ông bà tán tài cầu phúc chỉ mong sao có con nối dõi. Vì gia cảnh lâm vào bần bách nhưng vẫn dốc lòng làm việc công đức. Bấy giờ nghe tin ở chùa Phật Tích đúc chuông, bà liền mang hết số tiền dành dụm cúng tiến cho chùa. Khi chuông đúc xong, tiếng chuông ngân đến thấu trời, thượng đế xuống sắc sai người tra cứu xem có công đức gì. Vị thần đặc trách trả lời: “Có vợ chồng ông Lê Mẫn từng tích đức hành nhân, tán tài cầu phúc tuổi sắp 60 mà chưa có con, công đức nhân duyên của họ đều có đủ”. Thượng đế bèn sai Nam Đẩu giáng trần đầu thai vào nhà họ Lê để làm con.

Năm ông Lê Mẫn 58 tuổi, bà Hồ 51 tuổi, vào đêm 29 tháng Hai bà mơ thấy ông già râu tóc bạc phơ, tay cầm trúc trượng, đầu đội mũ hòa, toàn thân lấp lánh đứng trước sân nói rằng: “Ông bà là người công đức nhân duyên, lòng thành cảm thấu trời đất. Ta là thần từ Tây Vực tiêu giao về đây nghe tin ông bà thành tâm cầu đảo, tất sẽ được như ý. Sang năm trời giáng vị sao lớn để giúp nước trừ tà, sẽ có điềm báo, đừng lo lắng gì”.

Sau đó bà mang thai, đến ngày mồng 10 tháng Giêng, bỗng thấy bào thai chuyển động, có ba tiếng sấm rền vang, cỏ cây sông núi trùng trùng chuyển động, sóng nước dâng trào, bách thú, kình nghê, lân ngư cùng theo mưa gió chầu về xếp thành hình rồng xanh vây vấy thân bà đến ba vòng. Toàn thân bà thoát ra mùi thơm, đến giờ thân thì sinh một người con trai. Ông họ Lê cứ theo giấc mộng, đặt tên con là Phụng, tên hiệu là Vạn Hạnh.

Vạn Hạnh đến tuổi trưởng thành, dáng mạo đẹp tốt, nghe một biết hai, văn như thánh, võ như thần. Theo học thiền sư Quỳnh Viên đắc đạo, đến chùa Trường Liêu, giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ cho vua Lê Ngọa Triều. Khi Lê Ngoạ Triều ăn khế thấy có hạt mận, lại thấy bài sấm: “Nhất bát công đức thủy, tùy duyên tại thế gian” (nghĩa là: Một bát nước công đức, tùy duyên giúp thế gian). Còn ở cây gạo cũng có bài sấm: “Hòa đao mộc lạc, thấp bát tử thành” (nghĩa là: cây hoa đào rụng, mười tám hạt thành) (đây là lối triết tự ám chỉ nhà Lê sẽ mất, nhà Lý lên ngôi). Do vậy, ông bỏ Ngọa Triều phù giúp cho nhà Lý hưng thịnh. Khi Lý Thái Tổ lên ngôi, ông được gia tước Phụng công, ban làm Tể tướng, Thượng phụ Thái sư Nhân Quốc công. Đến thời Lý Thái Tông, vào ngày 15 tháng 7 ông hóa, thọ 93 tuổi. Vua Lý Thái Tông sai quan bộ lễ ban sắc phong, gia phong cho ông là Phụng Phật cư sĩ, ủy thác cho Bộ Lễ mang sắc và ban tiền dựng miếu phụng thờ tại trang Vệ Xá, trấn Vũ Ninh.

Biểu diễn văn nghệ trong lễ hội truyền thống

Tiết mục trống hội trong lễ hội truyền thống

Đình Vệ Xá từ xưa đến nay luôn là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng cư dân địa phương, nơi duy trì nhiều tập tục văn hoá truyền thống, được thể hiện qua các ngày tiết lệ trong năm, đặc biệt là lễ hội truyền thống vào ngày mồng 9 tháng Giêng (Âm lịch). Đây là sự kiện để nhân dân địa phương tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức, đồng thời thu hút đông đảo nhân dân địa phương hướng về cội nguồn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần thắt chặt mối đoàn kết cộng đồng làng xã, làm giàu thêm truyền thống văn hoá của địa phương.

Đình Vệ Xá, xã Đức Long, thị xã Quế Võ đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, Quyết định số 118/QĐ-CT ngày 20/01/2004.

Nguyễn Văn Khánh - Trung tâm BTDT&XTDL tỉnh Bắc Ninh