CHÙA PHẢ LẠI

09/06/2023 09:30 View Count: 1528

Chùa Phả Lại hiện tọa lạc trên đỉnh núi Phả Lại thuộc xã Đức Long, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Đây là công trình văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng được khởi dựng từ lâu đời, gắn bó suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của địa phương.


Toàn cảnh núi Phả Lại nhìn từ phía Tây (ảnh chụp năm 1988)

Chùa Phả Lại vốn được khởi dựng từ lâu đời. Theo các thư tịch cổ cho biết, vào khoảng niên hiệu Thái Ninh (1075 - 1075) đời vua Lý Nhân Tông, chùa Phả Lại được thiền sư Giác Hải (người Gia Vĩnh, Thanh Hóa) và Dương Không Lộ đứng ra hưng công xây dựng với quy mô lớn. Thời kỳ này, chùa có quy mô cả trăm gian, bao gồm các công trình: Chùa phật, chùa Hộ, chùa Am, Tam quan nội, Tam quan ngoại, Điện kính thiên, Gác chuông, Gác trống, Tăng thất...


Điện Kính Thiên trên núi Phả Lại

Thời Trần, nhà vua nhiều lần về đây ngắm cảnh, làm thơ và cho phép nhà chùa tu bổ lớn. Quy mô gồm: Điện kính thiên, Bốn cây tháp lớn, Gác chuông, Gác trống, Tam bảo, Đền thờ thánh Dương Không Lộ và Khổng Minh Không, hai bên là hai dãy hành lang. Dưới chân núi, trước điện Kính thiên là Đền hạ và Ao rồng, phía đông triền núi là chùa Cổ Am. Cũng trong thời gian này, chùa được đổi tên thành "Chúc Thánh tự", ngôi chùa được sử sách ghi chép lại như sau: “Từ 1407, khi nước ta có giặc Minh sang xâm lược chùa Chúc Thánh đã bị giặc Minh tàn phá, chúng đã lấy hết chuông đồng, đỉnh đồng… để làm vũ khí, súng đạn. Những đồ vật khí khác cũng bị chúng lấy”. Khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, dẹp giặc Minh, một số đồ phật khí khác cũng được hoàn trả lại chùa.

Thời Lê Trung Hưng, chùa Phả Lại tiếp tục được tu bổ tôn tạo, nhân dân cùng nhà chùa và các công hầu, quý tử quyên góp tiền của, thuê thợ tạc đá xanh làm lại điện Kính thiên, Tam bảo, Đền, Am, Tháp… Đồng thời cũng cho mở lò nung gạch, ngói tại phía Bắc đồi của chùa để cung cấp gạch ngói xây dựng các công trình và mở lò đúc đồng, đúc những đồ tế khí cần thiết. Sau mỗi lần tu sửa chùa, nhà chùa cho lập các bia công đức, bia hậu để lưu lại cho đời sau. Trải qua nhiều năm từ thời Lê qua thời Nguyễn, chùa Phả Lại tiếp tục tu bổ và cung tiến các đồ phật khí như: Khám, Ngai, Lư hương, Long án, quả, bài vị, chuông…


Bia "Phả Lại tự bi" tạo tác thời Lê Trung Hưng

Năm 1884, thực dân Pháp chiếm đóng trên núi Phả Lại, chúng tàn phá gần như bằng địa và định lập đồn bốt ở đây nhưng không thành mà phải kéo sang Phao Sơn lập đồn. Sau đó nhân dân lại tu bổ chùa gồm: 8 gian thờ Khổng Minh Không và Dương Không Lộ, 3 gian Tiền tế, 5 gian chùa phía trước gọi là chùa Cổ Am thờ Phật, 3 Gian Nghè thờ Thành hoàng và hai cây tháp bằng đá.

Năm 1947, giặc Pháp lại tới Phả Lại chiếm đóng, phá hủy các công trình trên, chỉ còn một số đồ thờ tự. Năm 1957, nhân dân Phả Lại tiếp tục hưng công phục dựng lại các công trình gồm: 3 gian Tiền tế, 2 gian Hậu cung, 3 gian chùa. Nhiều di vật được quy tụ trả về vị trí như sập đá điện Kính thiên, Rồng chầu, sấu, tượng thánh, bia đá… Năm 1985, nhân dân tiếp tục tu bổ, tôn tạo chùa. Năm 2014, thay bộ cửa bằng gỗ lim. Năm 2018, trùng tu toàn bộ di tích.


Tam bảo chùa Phả Lại

Hiện nay, Tam bảo chùa Phả Lại có mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh gồm:

Tiền đường 3 gian 2 chái 2 dĩ, kiến trúc kiểu 4 mái đao cong. Bộ khung bằng bê tông cốt thép, kết cấu vì nóc kiểu "chồng rường giá chiêng", vì nách gian giữa kiểu "cốn", gian bên kiểu "chồng rường".


Kết cấu bộ khung chịu lực toà Tiền đường chùa Phả Lại

Thượng điện 2 gian, kết cấu bộ vì kiểu “Thượng chồng chồng rường giá chiêng, hạ chồng rường bảy hiên".


Bài trí tượng Phật tại toà Thượng điện

Trong không gian di tích còn có đền thờ Đức thánh Khổng Minh Không, gồm 3 toà kiến trúc: Tiền đền 4 gian, Trung đền 4 gian, Hậu đền 2 gian


Đền thờ Đức thánh Khổng Minh Không

Ngoài ra, trong không gian di tích còn có toà nhà 3 gian, gian chính giữa đặt ban thờ Thần hoàng.


Toà nhà đặt ban thờ Thần hoàng

Trải qua biến thiên lịch sử chùa Phả Lại còn bảo lưu được hệ thống tài liệu, cổ vật vô cùng quý giá, có giá trị đặc sắc về nghệ thuật đồng thời chứa đựng nhiều thông tin về lịch sử dân tộc, tiêu biểu như: Bia "Phả Lại tự bi" thời Lê; bản thần tích thần sắc năm 1938; 3 đạo sắc phong niên hiệu Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924); các hiện vật tạo tác thời Nguyễn gồm: long đình; bộ bát biểu; tượng thân Phụ, thân Mẫu Đức thánh Minh Không, bộ tượng Tam thế, tượng Quan âm Tống tử.


Phù điêu tượng Hậu thời Lê

Chùa Phả Lại là nơi thờ Phật, thờ Mẫu… Nơi đây còn tôn thờ Thiền sư Khổng Minh Không cùng thân phụ, thân mẫu của Ngài. Thiền sư Nguyễn Minh Không (1073 - 1141), người làng Đàm Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ông là một vị Thiền sư tài năng, có nhiều công lao đóng góp đối với đời sống chính trị, tư tưởng văn hóa của Đại Việt thời Lý, được vua phong làm Quốc sư, chức vị cao nhất trong hệ thống tăng quan nhà Lý. Trong tâm thức dân gian, Nguyễn Minh Không là người có sức mạnh phi thường, đi mây về gió, dời non, lấp biển… là một trong số rất ít những nhân vật lịch sử được dân gian phong Thánh. Ngoài ra ông còn được coi là ông Tổ của ngành y dược và tổ nghề đúc đồng Việt Nam.                                    


Lễ rước nước trong ngày hội truyền thống

Từ xưa đến nay chùa Phả Lại luôn là nơi bảo tồn và duy trì những sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng làng xã. Hàng năm, di tích có các ngày sự lệ chính như: Ngày mồng 10 tháng 3 diễn ra lễ hội vui xuân nhằm kỷ niệm ngày Dương Không Lộ về đánh cá và tu ở chùa Cổ Am; Hội đền diễn ra từ ngày 12 đến 15 tháng 8 (Âm lịch). Đặc biệt trong lễ hội có nghi thức rước nước từ Vực Chuông về đền - tương truyền quả chuông chùa thời Lý chìm xuống đó. Các hoạt động trong những ngày sự lệ đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân và khách thập phương về dự hội, góp phần thắt chặt mối đoàn kết cộng đồng làng xã làm giàu thêm truyền thống văn hoá nước nhà.


Lãnh đạo UBND huyện Quế Võ thăm và làm việc tại di tích năm 2022


Bằng xếp hạng di tích năm 1989

Chùa Phả Lại, xã Đức Long, thị xã Quế Võ đã được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia, Quyết định số 100 VH/QĐ ngày 21/01/1989.

Nguyễn Thị Hoà (Trung tâm BTDT&XTDL)