Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

15/08/2022 14:49 Số lượt xem: 483

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Việt Nam là một nước sống bằng nông nghiệp, nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Do đó, Người luôn dành sự quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, và coi đó là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trong thời gian qua thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới huyện Quế Võ đã đạt được nhiều kết quả, làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn toàn huyện.


Một góc Phố Mới hôm nay

Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Đó là xây dựng nông thôn mới gắn liền với xây dựng đời sống mới, con người mới có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao. Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng một lúc phải chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng trước hết đến xây dựng đời sống mới cho nhân dân. Ngày 4-3-1946, Người ra Sắc lệnh số 44/SL về “Đời sống mới” và phát động phong trào “Xây dựng đời sống mới”.

Để xây dựng thành công nông thôn mới, theo Hồ Chí Minh, trước hết mỗi người phải tự xây dựng đời sống mới cho riêng mình, từ đó góp phần xây dựng đời sống mới cho cộng đồng. Người cho rằng, xây dựng đời sống mới là sức mạnh tổng hợp của nhiều người: Do nhiều người nhóm lại mà thành Làng, do nhiều Làng nhóm lại mà thành Nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành Làng xấu, Nước hèn; nếu mỗi người tốt, thì Làng tốt, Nước mạnh. Người là gốc của Làng, Nước, nếu mỗi người cố gắng làm đúng đời sống mới thì dân tộc nhất định phú cường. Xây dựng nông thôn mới gắn liền với rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhân cách và đời sống văn hóa mới cho nhân dân. Theo Người xây dựng nông thôn mới là việc chăm lo rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhân cách và đời sống văn hóa mới cho nông dân, đây là vấn đề nòng cốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Vì người nông dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng, vừa là mục tiêu cuối cùng của công cuộc xây dựng nông thôn mới, nên phải siêng năng, cần cù, hăng hái thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm, có tinh thần làm chủ, chủ động, sáng tạo trong lao động, sống có tinh thần, trách nhiệm, có tình, có nghĩa, luôn thương yêu, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo.

Trong nông thôn, người nông dân phải trên thuận, dưới hòa, không thiên tư, thiên ái, không tham lam, ích kỷ, không tư lợi dù là cây kim sợi chỉ của chung. Hồ Chí Minh khẳng định: Khi xây dựng đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ, cái gì cũng làm mới mà cái gì cũ mà xấu thì bỏ (tính lười biếng, tham lam...); cái gì cũ, không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý (cưới hỏi quá xa xỉ...); cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm (tương thân, tương ái, tận trung với nước, hiếu với dân...); cái mới mà hay, thì phải làm (ăn ở hợp vệ sinh, làm việc ngăn nắp). Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Chính phủ cần phải chuẩn bị kế hoạch xây dựng nông thôn mới và kiểu mẫu xây dựng nhà cho nông dân làm theo. Để nhân dân hiểu rõ ý nghĩa của việc xây dựng đời sống mới ở nông thôn, theo Bác cần coi trọng công tác vận động, tuyên truyền, giải thích và làm gương để phong trào xây dựng nông thôn mới trở thành hành động thiết thực. Người nhấn mạnh: Trước hết, phải tuyên truyền, giải thích và làm gương. Phải chịu khó nói rõ cho mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào... tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước. Làm như vậy, nhân dân càng tín nhiệm Đảng, chính quyền càng nêu cao tinh thần tập thể, tinh thần làm chủ, tinh thần chủ động và càng hăng hái lao động sản xuất.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn mới và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua huyện Quế Võ đã đạt được kết quả quan trọng: Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân ngày càng được cải thiện, huyện thường xuyên quan tâm đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân và coi nông thôn là địa bàn chiến lược quan trọng góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Giai đoạn 2015- 2020 toàn huyện đã đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới với 529 công trình, trị giá 2.487,7 tỷ đồng; kết quả đến hết năm 2018 số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 20/20, tăng 19 xã so với giai đoạn 2010 -2015, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đề ra và về đích trước 02 năm so với kế hoạch. Huyện Quế Võ được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng III. Ngày 14/6/2022, huyện được Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 490 về việc công nhận khu vực dự kiến thành lập Thị xã Quế Võ (phạm vi toàn huyện Quế Võ), tỉnh Bắc Ninh đạt tiêu chí đô thị loại IV. Kinh tế của huyện đang trên đà phát triển, đến hết 6 tháng đầu năm 2022, cơ cấu kinh tế của huyện đạt: khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 5,1%; khu vực Công nghiệp - XD chiếm 88,7%; khu vực Dịch vụ chiếm 6,2%.


Mô hình VAC của hội viên Hội Nông dân xã Yên Giả


Dưa Lê của Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Quế Võ

Có thể nói, chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua trên địa bàn huyện Quế Võ đã làm thay đổi nhận thức và vai trò làm chủ của nhân dân, đổi mới và thay đổi diện mạo, cảnh quan nông thôn trên địa bàn huyện, cơ sở hạ tầng xây dựng đồng bộ, thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn cải thiện và nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân, tạo ra diện mạo mới cho nông thôn, sức sống mới cho nông nghiệp, nhận thức mới cho nông dân và trên đà hướng tới mục tiêu xây dựng (Nông nghiệp thịnh vượng, Nông dân giàu có, Nông thôn văn minh, hiện đại). Đây cũng chính là những tiền đề quan trọng để giữ vững, củng cố ổn định chính trị,  trật tự  an toàn xã hội, tiếp tục phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, tạo môi trường và động lực để huyện Quế Võ phấn đấu trở thành Thị xã trong năm 2022./.

Nguyễn Khắc Kiên - Ban Tuyên giáo Huyện ủy