Quế Võ với chương trình mỗi xã, thị trấn một sản phẩm

31/07/2019 16:32 Số lượt xem: 136

Thực hiện Đề án mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm của UBND tỉnh (chương trình OCOP), UBND huyện Quế Võ xây dựng kế hoạch triển khai chương trình OCOP giai đoạn 2019-2020 với mục tiêu phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực, các sản phẩm lợi thế, đặc trưng, tiềm năng tại các xã, thị trấn. Đồng thời phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo của các tập thể, cá nhân tham gia trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP.

Theo đó, Quế Võ đề ra mục tiêu năm 2019 có các sản phẩm tham gia chương trình OCOP là khoai tây (ở các xã trong huyện), gạo tẻ thơm (xã Đại Xuân, Chi Lăng); dưa leo (Bồng Lai) và gốm (Phù Lãng). Năm 2020 bổ sung thêm các sản phẩm gồm dưa gang muối (xã Quế Tân, Việt Hùng); dưa lê siêu ngọt (Nhân Hòa); chuối (Hán Quảng); mỳ gạo, bánh đa (Đại Xuân).

Trồng dưa trong nhà lưới, hướng đi mới trong phát triển nông sản hàng hóa ở Quế Võ

Các ý tưởng được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên bao gồm: Nhóm 1 là các sản phẩm mang tính đặc trưng, có lợi thế so sánh cao của huyện, các sản phẩm cho hiệu quả cao hoặc sản phẩm dịch vụ phục vụ cho các điểm du lịch, văn hóa (gạo tẻ thơm, khoai tây, dưa gang, gốm). Nhóm 2 là các sản phẩm mới chưa được nhân rộng nhưng cho hiệu quả cao. Nhóm 3 là các sản phẩm an toàn như rau an toàn, cá, lợn thịt theo hướng VIETGAP. Huyện chỉ đạo củng cố, nâng cấp từ 3-5 HTX sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, phát triển mới từ 1-2 HTX tham gia chương trình OCOP, đồng thời xây dựng mô hình điểm thực hiện chương trình OCOP. Phấn đấu 100% thành viên BCĐ cấp huyện, cấp xã, và các cá nhân được tập huấn, đào tạo, hướng dẫn về thực hiện chương trình. Hình thành 01 điểm bán sản phẩm OCOP

Để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu, huyện chỉ đạo thành lập hệ thống quản lý điều hành, thực hiện Chương trình OCOP như Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc cấp huyện và xã, thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm ở cấp huyện. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của hệ thống quản lý Chương trình OCOP các cấp và người dân. Tiến tới xây dựng Webside về chương trình mỗi xã, thị trấn một sản phẩm để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các hoạt động, các sản phẩm của chương trình.

Việc triển khai thực hiện chương trình OCOP đảm bảo tuân thủ đầy đủ 06 bước của Chu trình OCOP theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt như tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án, dự án sản xuất, kinh doanh; triển khai phương án, dự án sản xuất, kinh doanh; đánh giá và xếp hạng các sản phẩm  cấp huyện, tỉnh, quốc gia và xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu các sản phẩm OCOP của huyện và ban hành quy chế quản lý bộ nhận diện đảm bảo theo đúng quy định.

Khoai tây, nông sản chủ lực trong chương trình OCOP huyện Quế Võ

Củng cố, nâng cấp, tổ chức lại các hình thức tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu của chương trình. Rà soát, tổng hợp các HTX, Tổ hợp tác tham gia chương trình OCOP, xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực cho các HTX, tổ hợp tác đáp ứng yêu cầu chương trình OCOP. Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn các tổ chức sản xuất đáp ứng theo yêu cầu của chương trình OCOP. Phấn đấu năm 2019 có ít nhất có 2 hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP của tỉnh.

Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nhằm hạ giá thành, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, người sản xuất về vấn đề vệ sinh môi trường và kiến thức về an toàn thực phẩm. Phối kết hợp định kỳ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về đảm bảo môi trường trong sản xuất, kinh doanh.

Theo chỉ đạo, phòng Nông nghiệp và PTNT (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo) có trách nhiệm chủ trì tham mưu giúp Ban Chỉ đạo huyện Quế Võ triển khai thực hiện Chương trình. Phối hợp với đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện kế hoạch. Tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm thực hiện chương trình OCOP, xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý cho các chủ Doanh nghiệp, Hợp tác xã, cán bộ thực hiện quản lý chương trình OCOP.

Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu giúp UBND huyện thành lập hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm để tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Hướng dẫn các địa phương, tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP. Đôn đốc kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện các nội dung, chương trình OCOP.

Lồng ghép các hoạt động của Chương trình vào các mô hình kinh tế; hướng dẫn phát triển kinh tế hộ, trang trại, HTX nông nghiệp; tổ chức nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và hoàn thiện sản phẩm. Phối hợp tham gia đầy đủ các hội chợ, lễ hội, triển lãm. Hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm và hướng dẫn các đơn vị, tổ chức cá nhân tham gia Chương trình OCOP về thực hiện chu trình chuẩn OCOP và quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu OCOP, đảm bảo thực hiện các thủ tục theo quy định./.

BBT