Ông Vũ Văn Chiến gương sáng trong phát triển kinh tế theo hướng nuôi thả cá lồng trên sông

12/10/2022 06:46 Số lượt xem: 516

Trong những năm qua, tận dụng lợi thế ven sông, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Đức Long đã phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, một trong số đó phải kể đến mô hình của hộ ông Vũ văn Chiến ở thôn Kiều Lương.


Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cùng lãnh đạo Hội nông dân tỉnh Bắc Ninh, Hội nông dân huyện Quế Võ thăm mô hình nuôi cá lồng trên sông của  ông Vũ Văn Chiến

Sinh ra và lớn lên tại một xã thuần nông vùng hạ huyện, ông Vũ Văn Chiến luôn nung nấu ý chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình làm kinh tế ở nhiều nơi,  năm 2015 tận dụng lợi thế ven Sông Đuống cùng với kiến thức tìm hiểu được từ mô hình nuôi cá lồng tại một số tỉnh, Ông quyết định đầu tư nuôi thử nghiệm 8 lồng cá trên sông. Nhờ nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá cũng như áp dụng tốt biện pháp phòng, chống thiên tai nên trong nuôi thả không gặp phải rủi ra gì, cá phát triển tốt, thu hoạch đạt năng suất cao. Từ hiệu quả bước đầu, cùng với sự hỗ trợ về nguồn vốn của hội Nông dân huyện,  Ông quyết định đầu tư phát triển lên 30 lồng cá các loại. Việc nuôi cá lồng trên sông có những điều kiện thuận lợi nhất định do dòng nước lưu thông, nuôi cá trên sông không lo lượng thức ăn thừa, phân cá gây ô nhiễm nguồn nước như nuôi trong ao, giảm được khâu xử lý môi trường ao nuôi và thời gian nghỉ sau mỗi vụ, giúp giảm nhiều chi phí, nâng cao thu nhập. Trong nuôi trồng ngoài việc chú trọng khâu chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, Ông còn  chú trọng nuôi thả những giống cá cho giá trị kinh tế cao chủ lực là chép giòn và cá lăng.  Với 30 lồng cá, Ông chú trọng giành phần lớn số lồng nuôi thả những loại cá cho giá trị kinh tế cao như: Cá Lăng, Cá chép giòn, còn lại là một số lồng nuôi cá Diêu hồng, cá Trắm, cá  ngạnh, mỗi năm cho sản lượng từ  100-110 tấn, thu lãi từ 400 đến 500 triệu đồng/ 1 năm. Không chỉ làm giầu cho bản thân, ông Chiến còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để mọi người trong thôn, xã cùng làm và phát triển kinh tế gia đình.  Để tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Năm 2019 ông cùng với các hộ nuôi cá lồng ở xã Đức Long thành lập HTX nông nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng, lúc đầu có 11 thành viên, đến nay đã phát triển lên 16 thành viên. Từ khi thành lập HTX luôn đón nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về đồng vốn vay ưu đãi qua 3 kênh là: Liên minh HTX, vốn của trung ương hội nông dân và vốn của Hội nông dân Tỉnh. Trong nuôi thả các thành viên trong HTX đều tuân thủ nghiêm ngặt và áp dụng đúng quy trình KHKT nuôi thả nên sản lượng cá của HTX cơ bản xuất ra thị trường ổn định, bình quân sản lượng cá mỗi năm của HTX đạt gần 1.000 tấn và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động. Làm kinh tế giỏi là vậy xong trong những năm qua gia đình Ông luôn luôn tích cực hưởng ướng tham gia các phong trào của địa phương phát động và gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong các phong trào thi đua, thực hiện tốt quy ước, hương ước của làng, tích cực tham gia các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bản thân Ông cũng được tín nhiệm và bầu làm Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng.


Các lồng cá của gia đình ông Vũ Văn Chiến

Từ thực tế nuôi thả của các hộ dân cho thấy nghề nuôi cá lồng trên trên sông đang mở ra cho người nông dân hướng đi mới, là nghề  mang lại hiệu quả kinh tế cao mà tiết kiệm được rất nhiều diện tích mặt nước. Tuy nhiên, để nghề nuôi cá lồng trên sông ở Đức Long nói riêng và trên địa bàn huyện nói chung mang lại hiệu quả cao rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc tạo điều kiện về cơ chế chính sách quy hoạch các vùng nuôi,  đẩy mạnh tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân quy trình nuôi cá lồng trên sông theo hướng VietGAP, đa dạng hóa các loại cá nuôi, hướng vào các đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị cao, các đối tượng thủy đặc sản như cá lăng chấm, trắm giòn, chép giòn, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, gắn với truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm cho nhân dân, khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người nuôi hoặc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác tạo điều kiện về nguồn lực đầu tư nhằm phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng tập trung góp phần tăng tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Văn Dương - Thu Hòa (Trung tâm VHTT và Truyền thông Quế Võ)