Khoai tây Quế Võ khẳng định thương hiệu
Nhờ khai thác hiệu quả thế mạnh sản xuất khoai tây trong vụ đông, nhiều nông dân huyện Quế Võ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ, cao gấp 3-4 lần cấy lúa. Khoai tây trở thành cây trồng chủ lực không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà thương hiệu “Khoai tây Quế Võ” trở thành sản phẩm được tiêu thụ khắp cả nước.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp&PTNT kiểm tra thu hoạch khoai tây tại xã Bằng An (Quế Võ).
Vụ đông năm nay gia đình ông Nguyễn Văn Nam ở xã Bồng Lai mạnh dạn đứng ra mượn và thuê 50 ha đất để trồng khoai tây. Nhờ chủ động nguồn giống tốt, tuân thủ lịch gieo trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật… nên toàn bộ diện tích khoai tây đang sinh trưởng, phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch với năng suất dự kiện 5-7 tạ/sào. Theo giá thu mua thời điểm hiện tại, 50 ha khoai tây có thể đem lại thu nhập khoảng 800-900 triệu đồng cho gia đình.
Không chỉ trực tiếp đầu tư thuê đất trồng khoảng 20 ha khoai tây, gia đình ông Doãn Thế Ánh ở thôn Yên Lâm, xã Bằng An còn liên kết sản xuất theo hình thức cấp giống, tiêu thụ sản phẩm cho người dân trong vùng với diện tích khoảng 60 ha. Hiện tại, sản phẩm khoai tây của gia đình Ánh được đăng ký nhãn hiệu tập thể: “Khoai tây Quế Võ” và được tiêu thụ khắp cả nước đem lại thu nhập hàng tỷ đồng/vụ. Để nâng cao giá trị cho sản phẩm khoai tây, năm 2019 gia đình ông Ánh thực hiện đăng ký tham gia Chương trình OCOP đối với sản phẩm khoai tây bảo quan trong kho lạnh.
Cùng với gia đình ông Nam, ông Ánh nhiều nông dân của huyện Quế Võ có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/vụ nhờ biết khai thác thế mạnh từ chất đất xốp, pha cát nhẹ thích hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây khoai tây trồng trong vụ đông. Trải qua hơn 10 năm tìm tòi hướng đi mới, đến nay, khoai tây trở thành cây trồng chủ lực.
Trước đây, chỉ có ít hộ gia đình tận dụng đất bỏ hoang trồng với quy mô nhỏ. Tuy nhiên, thấy được hiệu quả kinh tế cùng sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, người dân đẩy mạnh sản xuất. Từ đó, hình thành những vùng chuyên canh khoai tây quy mô lớn. Nhiều hộ mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa những giống khoai tây mới có chất lượng tốt như: Diamant, Solara vào trồng. Mẫu mã vàng óng, nhẵn bóng, vị thơm bùi, ngậy, bở đã tạo nên nét đặc trưng của khoai tây Quế Võ mà không nơi đâu có được.
Bà Nguyễn Thị Nga, xã Bằng An cho biết: “Trước đây, người dân trong vùng không chú trọng trồng cây vụ đông nên đất chỉ cấy 2 vụ lúa mỗi năm. Trồng khoai tây cũng chỉ là manh mún bởi năng suất thấp, chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của gia đình. Nhưng đến nay, hầu hết mọi gia đình trồng khoai đều ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng 6 sào, một phần diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch với năng suất xấp xỉ 6 tạ/sào, trừ chi phí còn lãi khoảng 2-3 triệu đồng/sào. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng, gia đình có thu nhập 15-18 triệu đồng, gấp 3 lần trồng lúa”.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Nông nghiệp& PTNT huyện, vụ đông năm nay, toàn huyện trồng gần 2.300 ha cây màu vụ đông, trong đó riêng diện tích khoai tây khoảng 1.800 ha. Huyện chỉ đạo triển khai 1 mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất đến tiêu thụ và thí điểm tổ chức sản xuất 50ha khoai tây theo tiêu chuẩn VIETGAP gắn với truy xuất nguồn gốc tại các xã Ngọc Xá, Đào Viên. Ngoài ra, huyện xây dựng 30 vùng sản xuất khoai tây thương phẩm theo quy trình an toàn với diện tích gần 300 ha.
Khoai tây Quế Võ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể. Người dân nơi đây có ý thức gìn giữ và phát triển thương hiệu này. Để khoai tây Quế Võ phát triển xa hơn, huyện xây dựng, triển khai đề án phát triển thương hiệu; tập trung xây dựng hệ thống sản xuất khoai tây sạch bệnh; chủ động nguồn giống và giảm chi phí nhập khẩu, tăng cường hoạt động kết nối tiêu thụ và quảng bá sản phẩm./.
Theo Báo Bắc Ninh