Chi Lăng thực hiện mô hình máy cuốn rơm sau thu hoạch

18/10/2024 13:32 Số lượt xem: 102

Để hạn chế tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, đồng thời tận dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp này, vụ mùa năm 2024, xã Chi Lăng đã đưa máy móc vào cuốn rơm rạ sau khi thu hoạch.



Máy cuốn rơm hoạt động trên một cánh đồng thôn Quế Ổ xã Chi Lăng

Theo đó vụ màu năm 2024 xã Chi Lăng đã đưa 1 máy cuốn rơm vào giúp bà con nông dân thu gom nhanh chóng rơm rạ, vệ sinh đồng ruộng, hạn chế tình trạng đốt rơm, làm chai đất ruộng, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái đồng ruộng và lãng phí nguồn nguyên liệu để tái sản xuất nông nghiệp. Khi có máy cuốn rơm nông dân không chỉ nhàn hơn mà còn cho thu nhập đáng kể từ khoản tiền từ bán rơm. Theo tính toán của người dân, 1 sào lúa sẽ cuốn được khoảng 7-8 cuộn rơm. Nông dân phải trả chi phí là 20.000 đồng/cuộn. Sau khi trừ chi phí, các chủ máy có thu nhập trung bình 100- 120.000 đồng/1 sào. Còn trường hợp nông dân không có nhu cầu sử dụng thì bán lại cho chủ máy tự cuốn với giá 25.000 đồng/cuộn. Như vậy người dân sẽ có nguồn thu khoảng 140 đến 160.000 đ/ 1 sào.

Được biết trong những năm qua, thị xã Quế Võ đã đẩy mạnh áp dụng máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó đã góp phần giảm sức lao động, tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài các loại máy móc được áp dụng phổ biến thì hiện nay máy cuốn rơm đã được một số địa phương đưa vào sử dụng. Nếu cách làm này được áp dụng rộng rãi, sẽ hạn chế được tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và cung cấp nguồn nguyên liệu để trồng rau, làm nấm rơm, làm thức ăn thô chăn nuôi trâu bò, nâng cao thu nhập cho người dân. Cơ giới hoá giúp người dân có thể giải quyết tốt phụ phẩm nông nghiệp thông qua giải pháp kinh tế tuần hoàn..

Văn Dương – Thu Hòa (Trung tâm VHTT và TT Quế Võ)