Đột phá trong phát triển thương mại dịch vụ ở Quế Võ

24/12/2019 09:17 View Count: 240

Dọc Quốc lộ 18 từ thành phố Bắc Ninh về trung tâm thị trấn Phố Mới (Quế Võ) dễ dàng nhận thấy sự phát triển đa dạng các ngành nghề kinh doanh thương mại, dịch vụ. Mạng lưới chợ nông thôn được quy hoạch và xây dựng mở rộng theo tiêu chí Nông thôn mới; dịch vụ nhà hàng, khách sạn, nhà trọ phát triển, tạo nên bước tiến mới, đột phát trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. 

Trung tâm Thương mại Trung Thành tại thị trấn Phố Mới đi vào hoạt động từ năm 2011, đến nay tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Trong đó, thu hút nhiều loại hình dịch vụ từ các mặt hàng thời trang, may mặc, đồ dùng thiết yếu và các dịch vụ vui chơi giải trí… Qua đó, giúp người tiêu dùng tiếp cận được những sản phẩm chất lượng ngay tại địa phương. Chị Nguyễn Thị Hợi, kinh doanh tạp hóa cho biết: “Vài năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ ở huyện Quế Võ phát triển đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho đời sống nhân dân. Nhiều hộ kinh doanh tận dụng lợi thế ở gần Quốc lộ 18, chợ, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh thương mại dịch vụ. Nhiều hộ mở rộng quy mô và đa dạng hóa mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương. Gia đình tôi bán hàng tạp hóa đã lâu, ban đầu chỉ bán những mặt hàng thông dụng như bánh kẹo, đường, sữa... nhưng từ khi khu công nghiệp phát triển gia đình đưa thêm nhiều mặt hàng vào bán như dầu gội đầu, mỹ phẩm, quần áo, giầy dép, gạo…”.

 Thống kê trên địa bàn, toàn huyện  có 4 siêu thị và một Trung tâm thương mại, 1 chợ Trung tâm thị trấn Phố Mới đang thực hiện thí điểm mô hình chợ an toàn thực phẩm, 13 chợ nông thôn và gần 9.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động,  gần 20 cửa hàng kinh doanh xăng dầu phân bổ ở hầu hết các xã, thị trấn. Điều này cho thấy hoạt động thương mại phát triển thu hút một lượng lớn lao động, tạo nhiều việc làm, góp phần nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn huyện năm 2019 đạt gần 3.800 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2018. 

Sản phẩm gốm của làng nghề gốm Phù Lãng.

Tận dụng lợi thế gần Quốc lộ 18, tỉnh lộ, hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư kết nối các xã với trung tâm huyện và đường sông với các tuyến giao thông thủy trên sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình, hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách ở Quế Võ luôn đạt mức tăng trưởng khá. Các loại hình dịch vụ khác như bưu chính viễn thông, ngân hàng, điện lực… được đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Mục tiêu Quế Võ đặt ra đến năm 2020 là nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 4.810 tỷ đồng, tăng bình quân 14,8%/năm, tỷ trọng chiếm khoảng 36,5% cơ cấu kinh tế, phấn đấu đến năm 2025 mỗi xã, thị trấn có ít nhất một cơ sở kinh doanh dịch vụ theo hướng văn minh hiện đại.

Để hoạt động thương mại, dịch vụ thực sự là đầu tầu phát triển kinh tế, thời gian tới Quế Võ tập trung: Huy động các nguồn lực để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các dự án quan trọng; hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu một số khu công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở sản xuất kinh doanh; triển khai các giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý và hiệu quả hoạt động hệ thống chợ.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, nhất là việc bảo đảm chất lượng hàng hóa tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ dân sinh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các tầng lớp dân cư về tiêu dùng văn minh, đặc biệt là trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn về cơ sở bán hàng văn minh, hướng các doanh nghiệp phát triển cơ sở bán hàng văn minh, phù hợp với xu thế phát triển chung của nền kinh tế đô thị hiện đại./.

Theo Báo Bắc Ninh