Lăng và nhà thờ 18 Quận Công họ Nguyễn Đức
Thôn Quế Ổ xưa thuộc tổng Đại Toán, huyện Quế Dương – nay thuộc xã Chi Lăng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Đây là vùng đất địa linh, nhân kiệt, nơi sinh thành, nuôi dưỡng nhiều danh tướng, võ quan đất Bắc Ninh. Trong đó, họ Nguyễn Đức có nhiều người được triều đình phong kiến giao đảm nhiệm những vị trí quan trọng, được phong nhiều chức, tước và có những đóng góp quan trọng cho đất nước, quê hương.
Họ Nguyễn Đức đến sinh cơ lập nghiệp ở thôn Quế Ổ từ thế kỷ XV. Từ cụ Thủy tổ Phù Quận công Nguyễn Đức Luận đến các đời sau đã tạo lập một dòng họ võ công lừng lẫy, danh thơm muôn thuở với nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, văn tài võ lược nổi tiếng bậc nhất xứ Kinh Bắc. Theo sách: “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Lê triều tạo sĩ đăng khoa lục”, “Hoàng Lê nhất thống chí”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Bắc Ninh dư địa chí”, “Lê quý kỷ sự”... và những tư liệu: gia phả, bia đá, thần tích, thần sắc ghi chép, ca ngợi về dòng họ Nguyễn Đức.
Trong họ Nguyễn Đức có nhiều người khoa danh, nổi tiếng ở đời, có 3 Đại vương, 18 Quận công, 76 tước Hầu, 3 Tạo sỹ, 4 vị lấy công chúa, họ hàng to và mạnh nhất Kinh Bắc. Nhiều vị đức trọng, tài cao, anh hùng hào kiệt, kinh bang tế thế, làm rường cột của triều đình, quốc gia, cứu nước, an dân, là gương sáng để đời, các triều vua ban tặng: “Trung quân ái quốc”, “Trung đẳng phúc thần”, “Trung hiếu truyền gia”… nhân dân biết ơn lập đền, miếu phụng thờ, sử sách, bia đá lưu danh, như: Thân Quận công được thờ tại đền Quỷ Môn Quan thuộc huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Ân Quận công là thần hoàng làng Dũng Quyết. Hiểu Quận công được gia phong Trung đẳng Phúc thần. Quế Quận công là người xây dựng khu Lăng bia ở Quế Ổ, Miếu Đại Trung ở làng Guột, xã Việt Hùng và công trình đắp đê kè đá lấn biển ở huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, nhân dân nhớ ơn lập miếu phụng thờ. Thụy Quận công được nhân dân ở 3 nơi thờ làm Thành hoàng: Trại Kê, thôn Xuân An, xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang; hậu Phật tại chùa Phúc Khánh, xã Mộ Đạo và đền thờ riêng ở quê nhà Quế Ổ.
Ngày 12/7/2014, Hội khoa học Lịch sử tỉnh Bắc Ninh và họ Nguyễn Đức Việt Nam đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Truyền thống võ lược Bắc Ninh - Kinh Bắc và công tác giáo dục lịch sử trong xã hội đương đại”. Hội thảo đã khẳng định: Họ Nguyễn Đức ở Quế Ổ là một trong những dòng họ tiêu biểu nhất cho truyền thống võ lược, với những anh hùng oai phong lẫm liệt, luôn lấy đạo đức, hiếu đễ, nhân nghĩa làm trọng. Thông qua Hội thảo còn xác định họ Nguyễn Đức có tới 22 Quận công, là các vị: Thủy tổ Phù Quận công Nguyễn Đức Luận, Thân quận công Thân không tướng quân, Tài Quận công Nguyễn Đức Tín, Tuyên Quận công Nguyễn Đức Vọng, Hào Quận công Nguyễn Đức Nghiệp, Siêu Quận công Nguyễn Đức Tước, Thụy Quận công Nguyễn Đức Trung, Hương Quận công Nguyễn Đức Trạch,Hiểu Quận công Nguyễn Đức Uông, Bá Quận công Nguyễn Đức Bá, Hội Quận công Nguyễn Đức Thân, Ánh quận công Nguyễn Đức Vịnh, Hùng Quận công Nguyễn Đức Điện, Đặng Quận công Nguyễn Đức Dương, Cẩm Quận công Nguyễn Đức Thiện, Ân Quận công Nguyễn Đức Nhuận, Quế Quận công Nguyễn Đức Uyên, Triêm Quận công Nguyễn Đức Tự, Nhậm Quận công Nguyễn Đức Dật và 2 vị Quận công triều Nguyễn là: Nguyễn Đức Thám, Nguyễn Đức Tình.
Để tri ân công đức các vị liệt tổ, liệt tông và giáo dục truyền thống, Thủy tổ Phù Quận công Nguyễn Đức Luận đã xây dựng Nhà thờ họ Nguyễn Đức từ thế kỷ XV, sau đó được Quế Quận công xây dựng Lăng bia vào đầu thế kỷ XVIII. Trải trường kỳ lịch sử từ khi khởi dựng đến nay, di tích luôn được các thế hệ họ Nguyễn Đức quan tâm tu bổ, tôn tạo, bổ sung đồ thờ tự.
LĂNG BIA HỌ NGUYỄN ĐỨC
Toàn cảnh Lăng bia họ Nguyễn Đức
Lăng bia nằm trên một khu đất cao phía Tây - Bắc thôn Quế Ổ, mặt quay hướng Tây - Nam. Di tích có khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng với vườn tược và nhiều cây xanh. Lăng do cụ Quế Quận công xây dựng nên vào năm 1703. Trải qua bao biến thiên lịch sử, khu Lăng vẫn được dòng họ và nhân dân địa phương chăm sóc bảo vệ, là niềm tự hào của quê hương. Năm 2002 và 2007, trùng tu toàn bộ khu lăng xây dựng nhà bia, Nghi môn và Nhà thờ Đề lĩnh Quế Quận công với tổng kinh phí 350 triệu, trong đó nhà nước hỗ trợ 130 triệu. Năm 2021, khu di tích lại được UBND tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng tu bổ, cải tạo mặt sân, xây lại tường bao…
Lăng hiện bao gồm các công trình: Nghi môn, Lăng bia, nhà Nhà thờ Đề lĩnh Quế Quận công.
Nghi môn được xây theo kiểu Tam môn, chồng diêm 2 tầng 8 mái.
Nổi bật trong khu lăng là bia bài vị Quế Quận công Nguyễn Đức Uyên, niên đại Vĩnh Thịnh 4 (1708), bia cao 285cm, rộng 190cm, dày 100cm. Trán bia được chạm nổi hình “Lưỡng long chầu nguyệt”, diềm và đế cũng được chạm nổi hình rồng, mây cuộn công phu nghệ thuật. Chính giữa bia khắc nổi những dòng chữ Hán lớn ghi chức tước của Quế quận công: “Phụng sai Đề lĩnh tứ thành quân vụ sự kiêm Lạng Sơn, Hải Dương, An Quảng, đẳng sứ trấn thủ quan, hậu nội cơ tham đốc Quế Quận công Nguyễn Đức Uyên bi”. Nhà che bia xây dựng năm 2002, kiểu dáng 2 tầng 8 mái đao cong bằng chất liệu bê tông, 4 góc có 4 cột, xung quanh để trống không xây tường bao.
Bài trí hiện vật, công trình trong khuôn viên Lăng
Phía trước bia đá là một đôi ngựa đá, một đôi voi đá, vị trí đăng đối nhau. Ngựa đá được thể hiện ở tư thế đứng trên bệ, có đầy đủ yên cương, chuông nhạc, miệng đóng hàm thiếc. Trên thân ngựa được phủ một vạt “vải” có trang trí những diềm hoa nhỏ. Lớp trên là bàn đạp thúc ngựa. Các khoảng trống từ bụng ngựa xuống bệ đứng vẫn liền trong một phiến đá; ở đây thể hiện rõ kỹ thuật chạm nổi, đường nét mềm mại uyển chuyển. Đôi voi tư thế voi nằm phủ phục vòi cuộn lại, 2 ngà nhỏ, mắt hẹp, tai rộng hình quạt gồm 8 cánh lá xếp lại; 2 lỗ hình xoáy trôn ốc khá rộng. Đuôi nhỏ vắt cong vào mông trông vừa mềm mại vừa chắc khỏe.
Bia bài vị Quế Quận công Nguyễn Đức Uyên, niên đại 1708
Kết cấu bộ khung chịu lực tòa Tiền tế
Phía sau Lăng bia là nhà thờ có kiến trúc hình chữ Đinh gồm Tiền tế và Hậu cung. Tiền tế 5 gian, cột trụ cánh phong 1 tầng 2 mái. Bộ khung gỗ bào soi đóng bén, gồm 6 bộ vì. Hai bộ vì gian giữa và hai gian bên có 3 hàng chân cột (trốn 2 cột cái), kết cấu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ ngồi bẩy hiên”. Hai bộ vì gian hồi 5 hàng chân cột, kết cấu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ chồng rường bẩy hiên”. Hậu cung 1 gian 1 dĩ, bộ khung gỗ kết cấu kiểu “vì kèo” quá giang gác tường.
Bài trí tượng Tam tổ trong Hậu cung nhà thờ
Các hiện vật tiêu biểu còn lại của di tích gồm: Lăng bia bài vị Quế Quận công, 2 ngựa đá, 2 voi đá niên đều có đại Vĩnh Thịnh 4 (1708); 1 đôi câu đối niên đại Duy Tân - 1912, 1 cuốn gia phả chữ Hán.
NHÀ THỜ ĐẠI TÔN HỌ NGUYỄN ĐỨC
Nhà thờ Đại tôn, thờ các vị Quận công họ Nguyễn Đức
Nhà thờ được xây dựng từ lâu đời, nằm ở giữa làng, cách Lăng bia khoảng 500m. Trải các đời con cháu kế tiếp trong họ, có nhiều người là công hầu khanh tướng, cho nên nhà thờ của gia tộc cũng ngày một khang trang. Theo sách “Lê Quý kỷ sự”, chiến tranh Trịnh - Nguyễn xảy ra quyết liệt trên đất Quế Ổ liên tục từ năm Đinh Dậu Cảnh Hưng 38 (1777) đến năm Kỷ Dậu Chiêu Thống 3 (1789). Nên các công trình tín ngưỡng văn hóa ở đây nói chung và nhà thờ họ Nguyễn Đức nói riêng đã bị tàn phá nặng nề.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1951, 1952 lại diễn ra một cuộc chiến đấu lớn ở Quế Ổ - Chi Lăng giữa ta và địch. Vì vậy, nhà thờ đã bị tàn phá. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, năm 1957 gia tộc Nguyễn Đức tập trung tu bổ nhà thờ của dòng họ. Khi đó Nhà thờ có kiến trúc 3 gian, bộ khung gỗ. Năm 1993, xây dựng thêm tòa Tiền tế phía trước. Nhà thờ có kiến trúc chữ Nhị gồm 3 gian 2 dĩ Tiền tế và 3 gian Hậu đường. Năm 2016, dòng họ tiến hành tu bổ tôn tạo lại toàn bộ Nhà thờ.
Kết cấu bộ khung toà Tiền tế
Hiện, Nhà thờ có kiến trúc hình chữ Đinh gồm: 5 gian Tiền tế và Hậu cung một gian. Kiến trúc theo kiểu “bình đầu bít đốc tay ngai cột trụ cánh phong”, cửa mở ở 3 gian giữa, hệ thống cửa “thượng song hạ bản”, hai gian bên trổ cửa sổ hình chữ “Thọ”. Bộ khung Nhà thờ được làm chất liệu hiện đại bê tông sơn trang trí giả gỗ. Vì nóc “giá chiêng”, vì nách “kẻ ngồi”, trốn 2 hàng cột cái. Toàn bộ đồ thờ tự mới được bổ sung tạo tác sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Bài trí đồ thờ tại gian giữa toà Tiền tế
Phía trước nhà thờ là khoảng sân hẹp, lát gạch đỏ. 3 gian giữa có 5 bậc thềm ốp đá xẻ dẫn xuống sân, 2 bên có đôi rồng trong tư thế bò xuống. Bao xung quanh nhà thờ là hệ thống tường bao bổ cột xây tường lửng, phần mũ tường dán ngói. Cổng xây dựng bằng chất liệu hiện đại, bê tông cốt thép, 4 mái đao cong, mái dán ngói.
Bia “Nguyễn Đức đại tổ đường”, khắc dựng năm 2016
Trong một năm, di tích có các ngày sự lệ sau: Ngày mùng 2 tháng Mười một, dòng họ Nguyễn Đức tổ chức lễ Giỗ tổ. Ngày 15 tháng Giêng được lấy làm ngày giỗ chung các vị Quận công. Ngày mùng 9 tháng Hai giỗ Tuyên Quận công. Ngày 27 tháng Tám giỗ Thụy Quận công. Vào các ngày này, con cháu họ Nguyễn Đức đi làm ăn xa hay gần đều về đông đủ tại Lăng và Nhà thờ để tế lễ.
Các thành viên dòng họ Nguyễn Đức tại Nhà thờ (ảnh chụp năm 2016)
Với những giá trị tiêu biểu và đặc sắc, Lăng và nhà thờ 18 Quận công họ Nguyễn Đức đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử - Nghệ thuật quốc gia, Quyết định số 138/QĐ ngày 31/01/1992.