Chủ động phòng trừ bệnh lùn sọc đen phương nam hại lúa mùa

26/06/2019 16:19 View Count: 111

UBND huyện Quế Võ vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen phương nam ại lúa mùa 2019.

Bệnh lùn sọc đen hại lúa do vi rút Southern Rice Black Streaked Dwarf Virus (SRBSDV) gây ra; rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) là môi giới truyền bệnh. Bệnh tái bùng phát và gây hại nặng trong vụ mùa năm 2017 tại các tỉnh Bắc Bộ gây thiệt hại nặng cho một số tỉnh như: Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Kạn,...diện tích mất trắng 18.644 ha. Năm 2018, tại Bắc Bộ bệnh tiếp tục phát sinh gây hại cả vụ xuân và vụ mùa, tập trung nhiều trong vụ mùa với diện tích nhiễm bệnh 930,25 ha.

Tại tỉnh Bắc Ninh, vụ mùa năm 2018 bệnh xuất hiện rải rác trên đồng ruộng, qua giám định 824 mẫu lúa và rầy lưng trắng cho kết quả 7,16% số mẫu nhiễm virus gây bệnh lùn sọc đen. Tại huyện Quế Võ, vụ mùa năm 2018 bệnh xuất hiện tại thôn Đông Du Núi xã Đào Viên, thôn La Miệt xã Yên Giả.

Chủ động các biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen phương nam ngay từ khi bắt đầu gieo cấy lúa mùa là yêu cầu cần thiết đặt ra

Để chủ động phòng trừ bệnh lùn sọc đen, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra trên lúa mùa 2019, UBND huyện Quế Võ đề nghị các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp, tổ HTX tiếp tục thực hiện Chỉ thị 9556/CT-BNN-BVTV ngày 15/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; kế hoạch số 1519/KH-SNN-TTBVTV ngày 01/11/2018 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa, Kế hoạch số 613/ KH-UBND của UBND huyện ngày 03/6/2019 Kế hoạch phòng trừ bệnh lùn sọc đen phương Nam hại lúa vụ mùa 2019. 

Triển khai phun thuốc trừ rầy lưng trắng cho toàn bộ diện tích mạ trước khi nhổ cấy từ 2-3 ngày và lúa gieo thẳng khi lúa có từ 3 đến 4 lá thật. Sử dụng một trong các loại thuốc như: Chess 50WG, Penalty 40WP, Lobby 25WP, Regunta 200 WP,...theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tăng cường kiểm tra thăm đồng, điều tra lấy mẫu rầy lưng trắng, mẫu lúa nghi nhiễm bệnh lùn sọc đen để giám định vius. Khi phát hiện lúa bị bệnh lùn sọc đen, rầy lưng trắng nhiễm virus lùn sọc đen cần tổ chức khoanh vùng và áp dụng biện pháp phòng trừ rầy, tiêu hủy nguồn bệnh kịp thời theo quy định.

Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt quy trình kỹ thuật quản lý bệnh lùn sọc đen hại lúa; điều tra, lấy mẫu rầy lưng trắng, mẫu lúa nghi nhiễm bệnh gửi đi giám định virus; phát hiện sớm các diện tích xuất hiện bệnh lùn sọc đen để có biện pháp phòng trừ kịp thời, qua đó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh lùn sọc đen gây ra./.

BBT