Bắc Ninh phê duyệt Chương trình Khuyến nông giai đoạn 2020-2025
Tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt Chương trình Khuyến nông giai đoạn 2020 - 2025. Mục tiêu của chương trình là nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững. Xây dựng và nhân rộng được các mô hình khuyến nông về sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; mô hình chế biến, bảo quản nông sản.
Mô hình trồng dưa trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao ở Quế Võ.
Theo đó, Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2025 mỗi huyện trong tỉnh hình thành mới từ 3 vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung, quy mô từ 5ha trở lên; 2 vùng sản xuất rau màu an toàn quy mô từ 2ha trở lên; 1 vùng trồng cây ăn quả quy mô từ 1ha trở lên được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, hữu cơ hoặc tương đương; 2 mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, hoa, cây cảnh. Xây dựng và nhân rộng mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn (mỗi huyện từ 5-10ha).
Nhiều địa phương trong tỉnh đã tăng cường ứng dụng mô hình máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ thực vật và hạn chế ô nhiễm môi trường xảy ra.
Phát triển chăn nuôi gia cầm (gà, vịt, ngan…) an toàn sinh học, bền vững, mỗi huyện hình thành từ 2 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thịt, trứng gia cầm an toàn; 2 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn trở lên. Xây dựng và nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu, bò thịt chất lượng cao, an toàn thực phẩm, chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh chăn nuôi một số loại vật nuôi bản địa như gà Hồ, gà Đông tảo, gà mía, gà ri, vịt cỏ…; mỗi huyện hình thành 2 mô hình Tổ hợp tác/HTX/nhóm hộ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trở lên.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi cá lồng trên sông ứng dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm, quy mô 350 lồng; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao nuôi thâm canh một số loài thủy sản đặc sản tập trung như trắm đen, chép giòn, cá lăng, cá tầm, baba, hình thành một số vùng nuôi thủy đặc sản tập trung ở các huyện trong tỉnh.
Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được tham gia xây dựng các mô hình khuyến nông trên địa bàn. Tăng cường công tác xã hội hóa khuyến nông để hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất. Đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động tư vấn dịch vụ khuyến nông để giúp người dân tiếp cận được các dịch vụ đầu vào, đầu ra một cách hiệu quả, chất lượng nhất./.