ĐÌNH MỘ ĐẠO
Thôn Mộ Đạo có tên nôm là “làng Đậu” xưa thuộc tổng Mộ Đạo, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn - nay thuộc xã Mộ Đạo, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Theo lời các cụ cao niên địa phương cho biết: làng Mộ Đạo trước kia ở khu vực bãi sông Đuống (gần điếm canh đê làng Mai Ổ). Đến thời Nguyễn, làng được chuyển về vị trí như hiện nay. Quá trình phát triển, nhân dân Mộ Đạo đã tạo lập truyền thống văn hoá, xây dựng các công trình tín ngưỡng phục vụ cộng đồng trong đó có di tích đình Mộ Đạo.
Nguyễn Thị Hoà (Trung tâm BTDT&XTDL)
Toàn cảnh không gian đình nhìn từ phía trước
Toàn cảnh đình Mộ Đạo nhìn từ phía sau
Đình Mộ Đạo vốn được khởi dựng từ thời Lê, đến thời Nguyễn được tôn tạo với quy mô lớn, kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm: Đại đình 5 gian 2 chái, kiến trúc “4 mái đao cong” và Hậu cung 1 gian. Bộ khung chịu lực làm bằng gỗ lim, chạm khắc trang trí tập trung ở các đầu bảy, đầu dư và các bức cốn với đề tài "tứ linh, tứ quý". Trong đình bài trí nhiều đồ thờ tự như: hoành phi, câu đối, cửa võng, án thờ, long ngai, kiệu bát cống… được chế tác tinh xảo, sơn son thiếp vàng lộng lẫy uy nghi.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, năm 1949 thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” toàn bộ các công trình của đình bị phá dỡ hoàn toàn, nhiều hiện vật, đồ thờ cũng bị hư hại thất lạc. Đến năm 1995, nhân dân địa phương góp công, góp của phục dựng lại ngôi đình trên nền xưa đất cũ theo dáng vẻ kiến trúc truyền thống. Từ đó đình trải qua nhiều lần tu sửa nhỏ. Năm 2017, tu bổ hệ thống cửa Đại đình, xây dựng Nghi môn và tường bao quanh khuôn viên.
Hiện đình nằm ở phía Nam của thôn Mộ Đạo, tổng diện tích là 6.845,2 m2, mặt quay theo hướng Nam, phía trước là hồ nước xanh mát, bên trái giáp sân vận động, bên phải giáp nhà văn hóa và trường mầm non của thôn, phía sau đình là ao làng và khu dân cư. Trong khuôn viên đình có rất nhiều cây cổ thụ tạo không gian xanh mát, thoáng rộng cho ngôi đình.
Đình có kiến trúc hình chữ Nhị, gồm 2 tòa Đại đình và Hậu cung.
Toà Đại đình nhìn từ phía trước
Toà Hậu cung nhìn từ bên phải
Đại đình 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong. Bộ khung bằng gỗ, gồm 4 bộ vì kết cấu kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ ngồi, tiền kẻ hậu kẻ”.
Kết cấu bộ khung chịu lực Toà Đại đình
Bài trí gian giữa tòa Đại đình
Hậu cung 3 gian, kiến trúc kiểu “bình đầu bít đốc tay ngai cột trụ cánh phong”. Bộ khung chịu lực bằng gỗ, gồm 4 bộ vì có kết cấu kiểu “vì kèo”, quá giang gác tường, các cấu kiện kiến trúc bào trơn đóng bén.
Kết cấu bộ khung chịu lực Toà Hậu cung
Bài trí gian giữa tòa Hậu cung
Tượng Đức thánh Bình Thiên Hiển Đức Đại vương, thời Nguyễn
Đình Mộ Đạo thờ Thành hoàng là Đức thánh Bình Thiên Hiển Đức Đại Vương. Lai lịch và công trạng của Ngài có thể tóm lược như sau: Tương truyền Ngài là vị phó tướng dưới thời Hùng Duệ Vương - có công dẹp giặc cứu nước. Cha Ngài là Bình Công, người xứ Hoan Châu (Thanh Hóa), nối đời hào kiệt, đứng đầu một phương rộng lớn, quanh năm làm việc thiện. Mẹ Ngài là Mẫu Thị, ngoài 40 tuổi mới có thai, sinh ra Ngài với tướng mạo khôi ngô, cao lớn. Năm Bình Thiên 12 tuổi đã tinh thông võ nghệ, mưu lược hơn người. Cha mẹ Ngài lần lượt qua đời, an táng cha mẹ xong, Ngài đi chu du thiên hạ. Đến xã Mộ Đạo, huyện Quế Dương thấy phong cảnh nơi đây thuần hậu, mùa màng bội thu, nhà nhà sung túc nên Ngài bèn ở lại đó cùng dân canh tác, luyện tập võ nghệ. Khi quân Thục sang xâm lược, Ngài cùng Tản Viên Sơn Thánh đánh tan quân Thục và được Hùng Vương phong là “Hiển Đức đại vương”.
Sau khi mất, Ngài được gia phong “Tối linh Thượng đẳng thần”, lệnh cho nhân dân 9 thôn 3 xã cùng thờ phụng, gồm: Mộ Đạo, Trạc Nhiệt, Mai Ổ, Trúc Ổ (xã Mộ Đạo), Tập Ninh, Đức Tái, Đô Đàn (xã Chi Lăng), Yên Giả, La Miệt (xã Yên Giả).
Hiện, trong đình còn bảo lưu được nhiều tài liệu hiện vật có giá trị như: 03 pho tượng có niên đại thời Nguyễn, bản sao Thần tích - Thần sắc, hoành phi, câu đối… cùng nhiều đồ thờ tự được tạo tác tinh xảo, nghệ thuật.
Bản sao khai Thần tích – Thần sắc
Hoành phi “Dương dương tại thượng”, tạo tác năm 1912
Đình Mộ Đạo từ xưa đến nay luôn là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng cư dân địa phương, nơi duy trì nhiều tập tục văn hoá truyền thống, được thể hiện qua các ngày tiết lệ trong năm. Đặc biệt cứ 3 năm một lần, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu nhân dân 9 thôn 3 xã thờ Bình Thiên Hiển Đức Đại Vương lại tổ chức lễ hội đền Đậu, kéo dài từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 3 âm lịch. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, phần tổ chức nghi lễ rước uy nghi, trang nghiêm, linh thiêng và đông vui. Theo tục lệ, sáng ngày 16 tháng 3 các xã tổ chức rước bài vị, lễ vật về đền Đậu để tế lễ Đức Thánh. Đoàn rước được chia thành các tích, mỗi tích gồm 3 làng, theo thứ tự như sau: Tích 1 là các làng: Mộ Đạo, Trạc Nhiệt, Mai Ổ; tích 2 là: Tập Ninh, Đức Tái, Đô Đàn; tích 3 là: Trúc Ổ, Yên Giả, La Miệt. Thôn Mộ Đạo được tôn là anh cả nên khi rước Mộ Đạo đi trước, các làng khác dù đi trước cũng phải chờ thứ tự từ tích 1 đến tích 3, cứ theo thứ tự đó rước vào đền Đậu và tế lễ.
Ngoài ra trong năm còn có các sự lệ khác như: Ngày mùng 4 tháng Giêng (ngày hóa thần); ngày mùng 6 tháng 2 (ngày đình đám) cùng các ngày sóc, vọng hàng tháng… Đây là dịp để những người xa quê nhớ về cội nguồn, là mốc thời gian quan trọng để mọi người cùng tìm về gia đình, quê hương. Đồng thời cũng là dịp để củng cố mối quan hệ cộng đồng làng xã, giáo dục truyền thống và trách nhiệm của mỗi người dân với quê hương, đất nước.
Bằng Xếp hạng di tích năm 2020
Với những giá trị tiêu biểu trên, đình Mộ Đạo, xã Mộ Đạo, thị xã Quế Võ đã được Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa, Quyết định số 1765/QĐ-UBND, ngày 17/12/2020.