ĐỀN THỜ NGUYỄN CAO (TRÁC PHONG LINH TỪ)
Bắc Ninh - Kinh Bắc là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi xuất hiện nhiều người hiền tài, cứu dân giúp nước trong suốt chiều dài lịch sử. Giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nguyễn Cao nổi lên trong số những danh nhân lịch sử - văn hoá tiêu biểu. Hậu thế ghi nhận công lao của bậc tiền nhân nên đã lập đền để phụng thờ, tượng niệm và cũng là để giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước.
Đền thờ Nguyễn Cao (Trác Phong linh từ) tại khu phố Cách Bi
Nguyễn Thế Cao còn gọi là Nguyễn Cao, tự là Trác Phong, sinh năm Đinh Dậu (1837) tại xã Cách Bi, tổng Bồng Lai, huyện Quế Dương - nay là khu phố Cách Bi, phường Cách Bi, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Dòng họ Nguyễn Thế vốn gốc ở Thanh Hóa và nối đời làm quan dưới triều nhà Lê, với những vị văn võ toàn tài. Đến Nguyễn Cao là đời thứ 4 của chi họ Nguyễn Thế xã Cách Bi. Gia đình Nguyễn Cao cũng nối đời làm quan cho nhà Nguyễn. Ông nội làm quan Huấn đạo. Thân phụ là Nguyễn Thế Hanh (1810 - 1840), 22 tuổi đỗ Cử nhân khoa Tân Mão, làm tri huyện ở các huyện Thạch An, Tiên Minh, Thủy Đường. Thân mẫu là Nguyễn Thị Điềm, thuộc dòng họ Nguyễn Đức làng Quế Ổ (xã Chi Lăng, thị xã Quế Võ). Xuất thân từ một dòng họ và gia đình như thế, Nguyễn Cao đã tiếp thu, phát huy được truyền thống hiếu học, ý chí tự lập tự cường, tinh thần, khí tiết của bậc quân tử.
Thời niên thiếu, do sớm mồ côi cha mẹ nên Nguyễn Cao được bà ngoại và các ông chú nuôi dạy. Sau đó, ông được sự dạy bảo trực tiếp của hai vị thầy học lớn lúc bấy giờ là Phó bảng Nguyễn Phẩm và Hoàng giáp Phạm Văn Nghị. Hai thầy đã truyền thụ cho Nguyễn Cao không chỉ kiến thức nho học mà còn bồi dưỡng tinh thần yêu nước thương dân, kiên trung bất khuất. Năm 31 tuổi, Nguyễn Thế Cao thi đậu giải Nguyên, khoa thi Hương năm Đinh Mão (1867) tại trường thi Hà Nội. Bạn bè và mọi người gọi ông với niềm kính phục “Thủ khoa Cao”. Sau khi thi đỗ, Nguyễn Cao không ra làm quan ngay mà xin về quê mở trường dạy học, đào tạo nhân tài cho quê hương đất nước.
Gia phả họ Nguyễn Thế và tập văn thơ của Nguyễn Cao
Sự nghiệp của Nguyễn Cao có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực: lịch sử, giáo dục, văn học, kinh tế, quân sự… đã góp phần vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
Trước hết, Nguyễn Cao là một sĩ phu yêu nước tiêu biểu, một thủ lĩnh phong trào chống Pháp của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX. Trong cuộc xâm lược Bắc Kỳ lần thứ nhất (tháng 11/1873), giặc Pháp từ Hà Nội đã đánh chiếm các huyện Gia Lâm, Siêu Loại. Nguyễn Cao lãnh đạo nhân dân Bắc Ninh đứng lên đánh giặc, giải phóng một vùng rộng lớn. Khi triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước với Pháp, Nguyễn Cao đã cáo bệnh trở về quê để chờ thời cơ. Bấy giờ, các tỉnh ở miền núi phía Bắc nước ta luôn bị những toán thổ phỉ từ phương Bắc sang quấy nhiễu, làm cho đời sống nhân dân bất yên. Nguyễn Cao đã tham gia đánh dẹp, phòng giữ cho dân, lập được nhiều thành tích. Tiếp đó ông lại xin đi khai khẩn đồn điền ở các nơi như: Nhã Nam, Phú Bình để mưu lợi cho dân. Với nhiều công lao phù nước, giúp dân, Nguyễn Cao được triều đình bổ nhiệm nhiều chức vụ như: Tri huyện Yên Dũng, Tri phủ Lạng Giang, Bố chánh xứ Thái Nguyên, Hàn lâm thị giảng, Trực học sỹ chánh Tam phẩm, Tán tương quân vụ, xung Bắc kỳ Tán lý quân vụ đại thần… vì vậy, nhân dân còn gọi là “Ông Tán Cao” hay “Quan Tán Cách Bi”.
Năm 1882, thực dân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai, Nguyễn Cao đã kịp thời đứng lên tập hợp dân chúng kéo về vùng ven Hà Nội chống Pháp. Trận tấn công của nghĩa quân Bắc Ninh do Nguyễn Cao chỉ huy tại Gia Lâm ngày 10/4/1882 là một trận đánh tiêu biểu của nghĩa quân. Trong trận này ông bị thương nặng nhưng vẫn chỉ huy chiến đấu dũng cảm quên mình cho các nghĩa sĩ noi theo. Vua nhà Nguyễn đã ban cho ông 20 lạng bạc để chữa trị. Lành vết thương, Nguyễn Cao lại tiếp tục chỉ huy cuộc chiến đấu chống Pháp, tổ chức nhiều trận đánh ở các vùng Phả Lại, Yên Dũng, Quế Dương, Võ Giàng, Từ Sơn, Thuận Thành…
Năm 1886, Nguyễn Cao về hoạt động ở vùng Mỹ Đức, Ứng Hòa (nay thuộc Hà Nội). Ngày 27/3/1887, giặc Pháp bắt được ông tại làng Kim Giang. Biết ông là người có tài nên chúng đã tìm đủ mọi cách mua chuộc, dụ dỗ nhưng đều bị ông cự tuyệt. Nguyễn Cao đã rạch bụng tuẫn tiết, quân giặc lại cho chạy chữa nhưng ông đã cự tuyệt và chọn cái chết để giữ tròn khí tiết. Do không khuất phục được, giặc Pháp đã chém đầu ông tại Vườn Dừa (ở phía Bắc Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày 14/4/1887 và bêu đầu ở các phố để lung lạc ý chí của dân chúng.
Thủ lĩnh Nguyễn Cao là người chỉ huy tài ba, chiến đấu dũng cảm là tấm gương nghĩa liệt khiến kẻ thù khiếp sợ và nhân dân khâm phục. Ông thực sự là một danh nhân lịch sử tiêu biểu trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX. Nguyễn Cao hy sinh, nhưng tên tuổi của ông đã được lịch sử ghi khắc như một biểu tượng sáng ngời về tinh thần yêu nước và ý chí bất khuất trước kẻ thù của dân tộc ta.
Bia ghi chép về Nguyễn Cao và những người có công đức với dân thôn
Nguyễn Cao còn là một nhà nho uyên thâm, một nhà thơ lớn của dân tộc ta. Thơ văn của ông đã xứng đáng đứng vào hàng ngũ của dòng thơ văn yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Di sản thơ văn Nguyễn Cao khá phong phú, đồ sộ, gồm: 42 bài thơ, 1 bài phú, 3 bài văn tế, 1 bài trướng mừng thọ, 1 thư gửi con, 1 bài văn tự thuật. Tất cả đều bằng chữ Hán. Nội dung thơ văn Nguyễn Cao đã phản ánh một tấm lòng yêu nước thiết tha, tình yêu thiên nhiên quê hương đất nước, lòng căm thù giặc sâu sắc và ý chí chiến đấu đến cùng chống kẻ thù xâm lược. Nội dung ấy đã được thể hiện, phản ánh trong văn thơ Nguyễn Cao với nghệ thuật và bút pháp của một thi nhân có tài. Ông xứng đáng là một nhà thơ lớn, bởi ý chí lớn của một bậc trượng phu, sẵn sàng xả thân vì nước. Thơ ông đã là tiếng lòng của một người yêu nước trên cương vị một thủ lĩnh nghĩa quân. Ông thương cảm, xót xa, đớn đau trước cái chết của Hoàng Diệu, hay gió lệ sầu trước sự ra đi của một nghĩa sĩ, tiếng khóc đầy uất hận. Bao trùm trong thơ văn Nguyễn Cao là quan niệm nhân sinh của một nhà tư tưởng, một lý tưởng cao cả, đồng thời tràn ngập tình yêu quê hương đất nước, tình cảm tha thiết, mặn nồng với gia đình, vợ con. Cuộc đời sự nghiệp và tài năng của Nguyễn Cao thật xứng với lời ca ngợi của nhân dân:
“Rất mực tài hoa rất mực hùng
Liều mình vì nước tự thung dung
Tấc thế trời đất lòng phơi trắng
Răng nghiến non sông lưỡi nhuộm hồng”
Có thể nói, Nguyễn Cao là một vị quan thanh liêm mẫn cán, một tấm gương yêu nước lẫm liệt, như Giáo sư Phan Văn Các đã đánh giá: “Ông chỉ sống có 50 năm, nhưng ông bất tử trong sự nghiệp chống giặc giữ nước vẻ vang, ông trường tồn trong văn thơ “lo đời yêu nước” thắm thiết của mình - ông sống mãi, vì nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ hình ảnh ông - hình ảnh một con người trung hiếu nghĩa tình, năng văn, năng võ là sự kết hợp hài hòa hoàn hảo của một khí phách dũng sỹ với một tâm hồn thi nhân, một nhân cách cao thượng và vĩ đại”.
Toàn cảnh đền Nguyễn Cao (Ảnh chụp năm 1994)
Với những công lao như trên, ngay sau khi Nguyễn Cao hy sinh, nhân dân ta đã tôn vinh ông là danh nhân của đất nước. Thân thế sự nghiệp Nguyễn Cao đã được ghi vào lịch sử dân tộc, được thể hiện trong những tác phẩm nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật điêu khắc. Tên ông đã được đặt cho đường phố ở Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Bắc Ninh, thành phố Bắc Giang và tên của các trường học, thiết chế văn hoá. Nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ ông như một vị thần linh của đất nước quê hương, của anh linh sông núi Việt Nam, trong đó tiêu biểu có đền thờ tại quê hương Cách Bi.
Đền thờ Nguyễn Cao tên chữ là “Trác Phong linh từ” được khởi dựng vào thời Nguyễn với quy mô nhỏ, ban đầu chỉ là 1 miếu thờ. Vị trí của đền nằm tại xóm Dưới thôn Cách Bi, mặt quay hướng Tây - Bắc, phía trước đường là đường giao thông liên xã chạy thẳng ra quốc lộ 18, xung quanh là khu dân cư. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đền bị phá hủy.
Toàn cảnh đền Nguyễn Cao nhìn từ phía bên phải (Ảnh chụp năm 1994)
Năm 1992, đền được xây dựng lại, quy mô gồm: Tiền tế và Hậu cung tạo thành mặt bằng chữ Nhị. Tiền tế có kiến trúc “bình đầu bít đốc tay ngai cột trụ cánh phong”. Hậu cung nằm sau tòa Tiền tế qua một khoảng sân nhỏ, quy mô 1 gian, kết cấu kiểu “chồng diêm 2 tầng 8 mái”. Trong Hậu cung có bệ thờ xây gạch, trên đặt tượng Nguyễn Cao và các đồ thờ tự.
Toà Tiền tế đền Nguyễn Cao hiện nay
Năm 1999, xây cổng Nghi môn. Năm 2002, xây dựng lại tòa Tiền tế (sử dụng bộ khung gỗ tòa Tiền tế của Văn miếu Bắc Ninh), bộ khung cũ dựng làm nhà khách. Năm 2006, xây dựng lại Hậu cung. Năm 2017, xây dựng công trình phụ trợ và lát sân đền.
Bài trí tại gian giữa Toà Tiền tế
Bài trí tại gian giữa Toà Hậu cung
Trong di tích còn lưu giữ một số hiện vật, đồ thờ có giá trị, tiêu biểu như: long ngai, bài vị, 02 hoành phi, 05 đôi câu đối, 02 ngai, 02 bài vị, 02 hương án… được tạo tác tinh xảo, sơn son thiếp vàng lộng lẫy có giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật.
Hàng năm tại đền thờ, nhân dân mở hội vào ngày 21 tháng 3 (Âm lịch) - là ngày mất của Nguyễn Cao. Vào ngày này, đội tế của thôn Cách Bi tổ chức tế lễ tại di tích rất trang nghiêm. Sau phần tế là phần hội được tổ chức với các trò như: đấu vật, cờ tướng… cùng các hoạt động văn hóa mới như thể dục dưỡng sinh, buổi tối tổ biểu diễn văn nghệ tại sân đền. Ngoài ra, tại di tích vào các ngày dự lệ của làng, ngày Mùng 1, ngày Rằm, ngày Tết Nguyên đán… dân làng thường ra đền tế lễ, thể hiện truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc, biết ơn và tri ân với những người có công với dân với nước.
Bằng công nhận di tích Quốc gia năm 1994
Với những giá trị trên, đền thờ Nguyễn Cao đã được nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá Quốc gia, Quyết định số 3211-QĐ/BT, ngày 12/12/1994.
Toàn cảnh Khu đền thờ Nguyễn Cao mới
Để tương xứng với tầm vóc danh nhân Nguyễn Cao, UBND thị xã Quế Võ đã lập và đầu tư dự án xây dựng Khu đền thờ Nguyễn Cao mới tại xã Cách Bi (cách đền cũ khoảng 150m về phía Tây - Bắc). Khu đền thờ mới có tổng diện tích 48.257m2, diện tích xây dựng khoảng 2.200m2, tổng mức đầu tư hơn 143 tỉ đồng. Dự án được khởi công xây dựng ngày 24/12/2020 và đến nay đã khánh thành đưa vào sử dụng. Đây sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh hướng về nguồn cội, nơi dân nhân đến tưởng niệm, chiêm bái… góp phần giáo dục các thế hệ sau biết noi gương sáng của tiền nhân để xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh, văn minh.